Áp lực tài chính bủa vây, vay nợ của các công ty BĐS đang như thế nào?
Trải qua một năm khó khăn như 2023, tưởng chừng như các doanh nghiệp bất động sản lao đao vì biến động thị trường, lại xuất hiện một chỉ tiêu rất tích cực: đa số nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản đầu ngành lại có xu hướng giảm so với đầu năm, cho thấy trong giai đoạn khó khăn nhất, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực tất toán các khoản vay.
Ngay trong những ngày đầu năm mới, thống kê dữ liệu của HNX cho thấy, có hàng chục công ty bất động sản dứt nợ vay từ trái phiếu, đa phần do các doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn, tất toán trái phiếu cho trái chủ.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, tính đến ngày 31/12/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) ghi nhận nợ phải trả đạt 195.874 tỷ đồng, tương ứng chiếm 81% tổng tài sản của doanh nghiệp và giảm 8% so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm 57.704 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 7.000 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Cơ cấu nợ của Novaland chủ yếu nằm ở các khoản vay trái phiếu với hơn 38.626 tỷ đồng, chỉ có hơn 9.400 tỷ đồng là vay nợ tại ngân hàng. Dù vậy, việc giảm hàng nghìn tỷ đồng vay nợ tại Novaland cũng như “muối bỏ bể” do công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn với khối nợ “khủng”, trong khi tình hình tài chính của doanh nghiệp lại đang đi lùi.
Ngay trong những ngày đầu năm 2024, HĐQT Novaland cũng đã phát đi thông tin sẽ phát hành 1,37 tỷ cổ phiếu, dự kiến thu về khoảng 13.700 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả.
Nhiều doanh nghiệp mạnh tay mua lại trái phiếu trước hạn.
Có hoạt động trả nợ sôi nổi hơn cả trong số các doanh nghiệp bất động sản phải kể đến CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), kết thúc năm 2023, doanh nghiệp bất động sản này cũng kết thúc những chuối ngày phải trả nợ trái phiếu của mình.
Năm 2023, Phát Đạt đề ra mục tiêu xử lý toàn bộ dư nợ trái phiếu vào cuối năm nay, chỉ để lại nợ ngân hàng và vay các bên khác. Đến cuối năm 2023, bằng việc mua lại toàn bộ 2 lô trái phiếu có tổng mệnh giá phát hành 800 tỷ đồng, Phát Đạt đã chính thức đưa dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp này về 0.
Theo đó đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp đã giảm 15% xuống còn 11.490 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn khác là hơn 3.182 tỷ đồng và phải trả dài hạn khác là 4.578 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay chiếm hơn 3.104 tỷ đồng trên tổng nợ, giảm 30% so với đầu năm.
Cũng tích cực trong việc trả nợ, tổng nợ phải trả tính đến cuối năm 2023 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC) giảm 22% so với đầu năm còn 13.226 tỷ đồng.
Tổng nợ vay tài chính còn hơn 3.659 tỷ đồng, giảm 52% so với đầu năm, chiếm 11% nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong đó, vay dài hạn ngân hàng chiếm hơn 3.322 tỷ đồng.
Trong năm 2023 Kinh Bắc cũng đã tích cực mua lại trái phiếu trước hạn. Trước đó, vào tháng 3 – 4/2023, doanh nghiệp đã mua lại toàn bộ 2.000 tỷ đồng của 2 lô trái phiếu với mã KBCH2124002 và KBCH2124003. Đến cuối tháng 5/2023, doanh nghiệp tiếp tục tiến hành mua lại trái phiếu mã KBC121020 trước hạn.
Sau hàng loạt giao dịch kể trên, khối lượng trái phiếu đang lưu hành của Kinh Bắc đã giảm xuống còn 1.157 tỷ đồng. Đối với lô trái phiếu KBC121020, đầu năm 2024, phía KBC cho biết, đã chuẩn bị nguồn vốn để "thoát nợ" trái phiếu.
Bên cạnh đó phía Kinh Bắc cũng cho biết, đã thực hiện chiến lược ưu tiên dùng mọi nguồn lực tài chính để thanh toán đúng hạn. Mặt khác, dòng tiền tăng mạnh từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp cũng góp phần tạo động lực để doanh nghiệp có tiền trả nợ.
Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG), tổng nợ phải trả tại cuối năm 2023 là 14.600 tỷ đồng, giảm 10% so với cuối năm trước. Trong đó, 11.600 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, gần 3.000 tỷ đồng là nợ dài hạn.
Cơ cấu nợ vay của Đất Xanh tại cuối quý IV/2023 giảm 8% về ngưỡng 5.289 tỷ đồng. Trong khi đó, thuế và các khoản phải nộp nhà nước lại tăng 7% lên 798 tỷ đồng.
Năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn với doanh nghiệp, thể hiện rõ qua việc phải cắt giảm 1.305 nhân viên trong năm 2023, từ 3.773 cuối năm 2022 xuống còn 2.468 cuối năm 2023. Số lượng công ty con của Đất Xanh cũng giảm xuống chỉ còn 84 công ty, trong đó đang tiến hành thủ tục giải thể đối với 8 công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Vinhomes là 0,31 lần, số dư nợ vay chiếm 12% tổng nguồn vốn.
Ngược lại với các doanh nghiệp trên, CTCP Vinhomes (HoSE: VHM) ghi nhận có dư nợ tăng trưởng dương sau 1 năm và tổng dư nợ vay vượt 10.000 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Vinhomes tính đến cuối năm 2023 ghi nhận 261.991 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó ghi nhận tăng trưởng đều ở cả khoản nợ ngắn và dài hạn, nhưng chủ yếu nợ của doanh nghiệp vẫn nằm tại nợ ngắn hạn.
Vay nợ tài chính của công ty đạt 56.682 tỷ đồng, cơ cấu nợ bao gồm 14.813 tỷ đồng vay ngắn hạn và hơn 35.689 tỷ đồng vay dài hạn. Chủ yếu nợ vay của doanh nghiệp là khoản vay từ ngân hàng, ngoài ra từ kênh trái phiếu Vinhomes ghi nhận đang có dư nợ hơn 9.808 tỷ đồng tại cuối tháng 12/2023.
Tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Vinhomes là 0,31 lần. Số dư nợ vay chiếm 12% tổng nguồn vốn của công ty.
Việc doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng tất toán vay nợ trong bối cảnh lãi suất trên thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt đã giúp chính bản thân doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí lãi vay vốn ở mức cao tại thời điểm phát hành.
Tại báo cáo triển vọng đầu tư tháng 2/2024, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, những nút thắt đang dần nới lỏng được kỳ vọng, từ đó giúp thị trường bất động sản có sự phục hồi bắt đầu từ nửa cuối năm 2024.
"Chúng tôi tin rằng thị trường bất động sản nhà ở đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, và sẽ cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024", nhóm phân tích VNDirect đánh giá.
Tags:bất động sản
vay nợ
nợ vay
đất xanh
vingroup
vinhomes
kinh bắc
kbc
vay ngân hàng
trái phiếu
bđs phát đạt
novaland
Tin cùng chuyên mục