Chủ tịch nước mong nhiều người giỏi vào bộ máy Nhà nước
Chiều 27/4, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Trả lời câu hỏi của cử tri "xử lý tham nhũng nhiều thì cán bộ đâu mà làm?", Chủ tịch nước khẳng định "không sợ thiếu cán bộ". Thời gian qua, một số địa phương, bộ, ngành sau khi cán bộ vi phạm bị xử lý thì những người thay thế "đều đáp ứng được yêu cầu công việc".
Theo Chủ tịch nước, nhiều người nói Việt Nam chưa có cơ chế sử dụng nhân tài cũng như phát huy tài năng của họ, nếu cơ chế tốt thì sẽ chọn được nhiều cán bộ giỏi hơn. Tuy nhiên, chủ trương của Đảng, Nhà nước và cá nhân Chủ tịch nước mong muốn thu hút được nhiều người giỏi, tâm huyết, trách nhiệm vào bộ máy nhà nước. "Từng bước chúng ta phải làm được điều đó tốt hơn", ông nói.
Chủ tịch nước kể, tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hôm qua, ông đã nói với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp cả nước rằng xử lý sai phạm thời gian qua là việc bắt buộc phải làm. Mục tiêu là để môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, để giá trị lao động thuộc về người làm ra nó, thuộc về xã hội và đất nước, loại bỏ khỏi bộ máy Nhà nước cán bộ thoái hóa, biến chất.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng, chiều 27/4. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo người đứng đầu Nhà nước, cán bộ có chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì rút lui để người khác làm, không cần chờ hết nhiệm kỳ hay hết thời gian bổ nhiệm. Thời gian tới, Đảng sẽ tiếp tục xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ và bất kể người đó là ai". Đảng cũng xem xét xử lý cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, thiếu sâu sát để cấp dưới vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
"Chúng ta xử lý tham nhũng lớn nhưng cũng xử lý tham nhũng vặt. Trước đây, người dân cứ nói đi đăng kiểm mất vài trăm nghìn, đó là tham nhũng vặt nhưng tích góp lại thành số tiền lớn, gây nhức nhối thì phải xử lý", Chủ tịch nước nói, nhấn mạnh rằng không chỉ cán bộ đương chức mà ngay cả về hưu cũng "không hạ cánh an toàn" nếu tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ nào vướng vi phạm, tham nhũng, tiêu cực "thì về hưu ngủ cũng không ngon".
Nhiều cử tri thắc mắc về nội dung trong Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch nước cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật này dựa trên tổng kết quá trình thực thi chính sách thời gian qua. Hiện nay, 70% các vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người hay đơn lẻ liên quan đến đất đai. Trung ương cũng đã đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, trong đó tỷ lệ cán bộ vi phạm liên quan đất đai khá lớn.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng, 88 tuổi, nêu ý kiến: "Càng làm quyết liệt thì càng phát hiện ra nhiều vụ tham nhũng có biểu hiện tinh vi". Ảnh: Nguyễn Đông
Theo Chủ tịch nước, sửa đổi Luật Đất đai hướng tới sử dụng đất hiệu quả, tạo ra nguồn lực, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện liên quan lĩnh vực này; đồng thời khắc phục đầu cơ, tránh lãng phí. Luật cũng sẽ hoàn thiện quy trình, quy định tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Nghị quyết của Đảng đã xác định, với những dự án liên quan đến người dân, các cơ quan chỉ được thu hồi đất sau khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; và chỉ khi nào tái định cư xong mới được thu hồi đất. Đây là tư tưởng và quyết tâm chỉ đạo của Đảng trong thực hiện chính sách đất đai.
Tuy nhiên theo Chủ tịch nước, thực hiện điều này không đơn giản, một dự án phải tái định cư xong mới được thực hiện thì sẽ chậm. "Nhưng chúng ta đặt lợi ích của người dân lên trước hết, phải lo việc tái định cư cho dân trước rồi muốn làm gì thì làm; trường hợp dự án thực sự cấp bách thì phải được sự đồng thuận của người dân", Chủ tịch nước nói.
Nguyễn Đông
Tags:Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
phòng chống tham nhũng
sửa đổi Luật Đất đai
Đà Nẵng
Chính trị
Tin
Tin nóng
Tin cùng chuyên mục