'Giấy chuyển viện là miếng mồi béo bở của tiêu cực'
Gửi ý kiến về VietNamNet, một độc giả cho rằng “giấy chuyển viện là miếng mồi béo bở của tiêu cực”, cần phải bỏ vì bệnh nhân khổ sở khi phải chờ đợi xin được giấy, có khi phải mất vài ngày mới nhập được viện tuyến trên điều trị.
Tại phiên thảo luận ngày 20/11 về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chia sẻ cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là "rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi".
Ông cho rằng việc có thêm "barrie đi xin giấy chuyển viện nên được bãi bỏ". Đại biểu này đề nghị đẩy mạnh tiến trình thông tuyến (hiện đã thông tuyến huyện và tỉnh), thực chất hơn nữa. Đặc biệt, trong lần sửa đổi Luật BHYT sắp tới, cần cho phép người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc...
Phản hồi ý kiến này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: "Vai trò giấy chuyển viện rất cụ thể, ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, nên khi chuyển tuyến dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết".
Theo bà Lan, việc giảm thủ tục phiền hà cho người dân khi đi khám chữa bệnh phải đảm bảo sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên tuyến trên.
“Giấy chuyển viện là miếng mồi béo bở của tiêu cực”
Ngay sau khi các bài viết đăng tải, VietNamNet nhận được nhiều ý kiến của các độc giả gửi về, với các luồng quan điểm khác nhau.
Độc giả H.T kể lại câu chuyện của bản thân là bệnh nhân ung thư vòm họng đã điều trị ổn định từ năm 2019. Dù vậy, mỗi lần xin bệnh viện chuyển tuyến lên Bệnh viện K khám, các bác sĩ tuyến dưới lại gây khó khăn, trong khi trang thiết bị và trình độ thầy thuốc không thể tốt như tuyến trung ương.
“Nhiều người bạn tôi ở các tỉnh, thành khác có BHYT còn bị tuyến dưới giữ lại không cho chuyển tuyến, một số người chấp nhận khám không hưởng BHYT, rất bất bình”, độc giả chia sẻ. Đồng thời, người này bày tỏ mong muốn Bộ Y tế điều chỉnh quy định phù hợp hơn, đặc biệt với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
Tương tự, độc giả L.L cũng cho hay nhiều bệnh nhân mãn tính phải điều trị tại bệnh viện chuyên khoa nhưng năm nào cũng phải xin giấy chuyển viện, rất mệt mỏi. “Chỉ là hình thức thôi nhưng vẫn phải làm”, độc giả L. bình luận.
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo
Bạn đọc Đ.V.T chia sẻ giấy chuyển tuyến “rất phiền phức” nên nhiều người không cần đến giấy này vẫn tự chuyển viện, tự chịu chi phí trái tuyến "để trị hết bệnh". Đồng quan điểm, một độc giả cho rằng “giấy chuyển viện là miếng mồi béo bở của tiêu cực”, cần phải bỏ vì bệnh nhân khổ sở khi phải chờ đợi xin được giấy, có khi phải mất vài ngày mới nhập được viện tuyến trên điều trị.
Nhìn nhận ở góc độ khác, nhiều độc giả cho rằng nếu bỏ giấy chuyển viện, người dân dù bệnh nặng hay nhẹ cũng sẽ dồn lên bệnh viện tuyến cuối, không mấy ai khám chữa ở bệnh viện quận, huyện nữa, từ đó sẽ vỡ hệ thống y tế.
“Giờ đã phải xếp hàng từ 4-5h sáng lấy số rồi, nếu bỏ giấy chắc từ 2-3h sáng đi xếp gạch”, độc giả gửi bình luận. Còn độc giả X. đề xuất cần sự đầu tư đồng bộ nếu bỏ giấy chuyển viện để không xảy ra tình trạng nơi thiếu, nơi lại quá tải.
"Nếu các bệnh viện địa phương, y tế cơ sở được đầu tư trang thiết bị hiện đại, bác sỹ giỏi,... thì người dân sẽ yên tâm đến khám mà chẳng cần phải chuyển viện lên trên. Mỗi khi phải chuyển viện tuyến trên là người dân đi lại tốn kém lắm", một ý kiến nêu.
"Không ai dám giữ bệnh nhân"
Liên quan đến việc chuyển tuyến bệnh nhân, thực tế, dù có nhiều cố gắng nhưng giữa các bệnh viện địa phương và trung ương vẫn sự chênh lệch về nhiều mặt, khiến xu hướng chuyển tuyến bệnh nhân nặng cao hơn.
Nói với VietNamNet sau khi theo dõi các bài viết và bình luận của độc giả, một giám đốc bệnh viện tuyến thành phố tại Hà Nội cho hay hiện "không ai dám giữ bệnh nhân", phòng sự cố đáng tiếc.
Theo vị này, nếu bác sĩ cố giữ trong khi tình trạng bệnh nhân quá khả năng điều trị, bệnh nhân không may xảy ra tai biến, thầy thuốc và bệnh viện có thể phải "theo kiện cả đời". Thay vào đó, các cơ sở tuyến dưới thường sẽ "chuyển non", tức là thầy thuốc tuyến dưới vẫn có thể chữa được nhưng chưa chắc chắn nên không dám giữ.
Nhiều ý kiến độc giả cho rằng nếu bỏ giấy chuyển tuyến sẽ có thể khiến bệnh nhân dồn hết lên tuyến trên gây quá tải. Ảnh: Thạch Thảo
Một bác sĩ công tác tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nơi mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân, chia sẻ không ít lần phải nhận ca nặng chuyển từ tuyến dưới lên mà chưa được liên hệ trước. “Có bệnh nhân rất nặng, điều trị dài ngày nhưng chỉ được tóm gọn trong 2 dòng giấy chuyển viện nguệch ngoạc”, ông cho hay.
Trong tình huống bệnh phòng luôn quá tải, giường và máy thở không được chuẩn bị sẵn, thông tin diễn biến bệnh của bệnh nhân khai thác “bập bõm”, rất khó khăn cho bác sĩ phụ trách tiếp nhận khi không được liên hệ trước. Thầy thuốc mất nhiều thời gian để khai thác lại bệnh sử, chuẩn bị giường hồi sức, nhân lực, dẫn đến tăng cao nguy cơ mất thời gian vàng điều trị cho bệnh nhân. Đáng tiếc hơn, có những ca bệnh quá nặng, tử vong ngay trên đường vận chuyển.
Cũng có những trường hợp có thể điều trị tốt ở tuyến dưới, không cần thiết phải chuyển tuyến làm tăng cao chi phí cho người bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện và quá tải bệnh viện, nhưng rồi tuyến trên vẫn phải tiếp nhận.
Chuyển đổi số để người dân đỡ mệt mỏi
Đây là ý kiến được nhiều độc giả gửi về VietNamNet liên quan giấy chuyển tuyến. Bạn đọc tên T. cho rằng nên lập hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, bệnh nhân đến cơ quan y tế nào cũng truy cập xem được, giảm thủ tục rườm rà và vấn nạn vòi tiền khi bệnh nhân có nhu cầu phải chuyển tuyến, chuyển viện.
Còn độc giả M.A cho rằng ứng dụng công nghệ có thể giúp quản lý bệnh án, giải quyết tình trạng chờ xin ký giấy chuyển viện, lỡ “giờ vàng” điều trị.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội), nơi đã thực hiện bệnh án điện tử, cho hay khi quyết định chuyển bệnh nhân lên viện tuyến trên (cũng sử dụng hệ thống bệnh án tương thích), bệnh viện chỉ cần ấn nút, toàn bộ bệnh án điện tử sẽ được chuyển đi. Bệnh nhân không mất nhiều thời gian chờ đợi xin chữ ký, thủ tục ghi hồ sơ chuyển viện. Thầy thuốc tại tuyến trên sẽ nắm rõ tiền sử bệnh tật của ca bệnh sắp được chuyển đến.
Tuy nhiên, để chuyển tuyến bệnh nhân được hiệu quả nhất, theo ông Khuyến cần kết hợp telehealth (khám chữa bệnh từ xa), tránh tình trạng chuyển bệnh nhân “khống” (chuyển tuyến nhưng không khám tại tuyến dưới).
Để giúp kết nối tốt hơn giữa nhân viên y tế các tuyến và bệnh nhân nặng được chuyển tuyến phù hợp, thuận lợi, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện triển khai hệ thống Tele-ICU. Các bác sĩ đánh giá với định hướng y tế không khoảng cách, có thể Tele-ICU sẽ là xu thế của chuyển tuyến bệnh nhân nặng trong tương lai.
Ông Khuyến cũng cho rằng việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ y bạ toàn dân rất quan trọng. Khi mọi thông tin lịch sử bệnh án được liên thông trong quản lý thì bệnh nhân mới được hưởng lợi.
Bộ trưởng Y tế phản hồi kiến nghị bỏ thủ tục xin giấy chuyển viện
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định giấy chuyển viện ghi lại tình trạng bệnh cũng như lịch sử điều trị nên vẫn rất cần thiết.
Tăng giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo mức lương mới
Sau hơn 4 tháng áp dụng mức lương cơ sở mới, viện phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng. Giá khám bệnh tăng rất nhẹ, giá giường bệnh hồi sức tích cực tăng khoảng 80.000 đồng.
Bình luận
Tags:giấy chuyển viện
giấy chuyển tuyến
Tin cùng chuyên mục