‘Làm nhà ở xã hội lãi thấp hơn mang tiền gửi ngân hàng’
Doanh nghiệp mất 5 năm để hoàn thành dự án nhà ở xã hội, trong khi lợi nhuận khoảng 10%, tương đương lợi nhuận mỗi năm chỉ 2%, theo đại diện một chủ đầu tư.
Tại tọa đàm "Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân" ngày 19/4, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chủ đầu tư không mặn mà phát triển nhà ở xã hội bao gồm vướng mắc thủ tục, quy trình kéo dài trong khi lợi nhuận rất thấp so với việc phát triển dự án nhà ở thương mại.
Theo ông Nghĩa, thông thường quy trình từ khi xin dự án đến khi xây dựng kết thúc phải mất đến 5 năm, trong khi lợi nhuận xây dựng nhà ở xã hội chỉ từ 10-15%.
"Nếu chia ra, mỗi năm doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận khoảng 2%, thấp hơn cả tiền gửi ngân hàng", ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, thủ tục xin dự án nhà ở xã hội cũng tiến hành chậm do quy định trong các điều luật còn "vênh nhau". Ông Nghĩa dẫn chứng Luật Nhà ở, Nghị định 100 và Nghị định 49 quy định doanh nghiệp được giảm 70% thuế giá trị gia tăng khi phát triển nhà ở xã hội, song Luật Thuế chưa có quy định về việc này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc.
Một dự án nhà ở xã hội tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Ngọc Diễm
Đồng quan điểm với ông Nghĩa, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như việc khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng xây dựng dự án chỉ bằng 20-25% so với chi phí thực doanh nghiệp bỏ ra. "Bởi vậy lợi nhuận định mức 10% trong phát triển nhà ở xã hội không đủ để bù đắp cho chính dự án đó", ông Châu cho hay.
Theo chuyên gia, trong giai đoạn 2015-2020, TP HCM đã xây dựng khoảng 15.000 sản phẩm nhà ở xã hội, đạt 75% mục tiêu đề ra, cao hơn so với tỷ lệ 41% của cả nước. Hiện thành phố có hơn 10 doanh nghiệp bất động sản tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội nhờ việc huy động các nguồn lực xã hội, tuy nhiên thủ tục pháp lý vẫn là vướng mắc hàng đầu.
"Làm nhà ở thương mại thủ tục đã phức tạp, làm nhà ở xã hội thủ tục còn phức tạp hơn", ông Châu nhấn mạnh. Ví dụ như dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, song để thực hiện được, cơ quan chức năng vẫn phải định giá đất, xác nhận dự án rồi mới ra quyết định miễn. Điều này bắt nguồn từ Luật Nhà ở quy định người mua nhà được chuyển nhượng sau 5 năm, tuy nhiên phải nộp lại khoản tiền sử dụng đất.
"Để xác định được khoản tiền này buộc cơ quan chức năng phải định giá đất, tôi cho rằng thủ tục này không cần thiết", Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Đánh giá về kết quả phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, người mua nhà phân khúc này được hỗ trợ bởi nhiều chính sách ưu đãi như giảm thuế, miễn giảm tiền đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng xã hội, nguồn vốn vay, lãi suất vay. Với những chính sách này, tính đến hết năm 2021 cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với khoảng 147.000 căn hộ. Hiện nay cả nước có 339 dự án khác đang triển khai, dự kiến cung cấp khoảng 371.500 căn hộ.
Tuy nhiên, ông Sinh đánh giá con số này chưa đạt kỳ vọng trước nhu cầu lớn của người dân, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như việc quan tâm, dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội chưa đạt mong đợi, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư còn phiền hà, nhiều trình tự, việc tiếp cận nguồn vốn chưa thuận lợi, dễ dàng, đồng thời cơ chế thu hút đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn.
Về giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng có hai vấn đề chính cần phải tháo gỡ. Thứ nhất, Chính phủ cần phải sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Thuế, Luật Kinh doanh. Ông Hưng dẫn chứng Luật Nhà ở hiện nay cho phép nhà ở khai thác cho thuê có thuế thấp hơn so với nhà ở kinh doanh,song Luật Thuế lại không đề cập đến nội dung này, dẫn đến bất cập trong việc áp dụng chính sách thuế cho các dự án nhà ở xã hội.
Thứ hai, đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, hướng dẫn thực hiện hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11. Ông Hưng cũng cho biết các địa phương cần tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện nay về việc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM đề xuất nhà nước tạo điều kiện để thành phố và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển nhà ở từ Nghị quyết 11 bằng việc rút ngắn các thủ tục hành chính, đồng thời hỗ trợ vốn vay kích cầu với thời hạn trên 10 năm.
"Nguồn vốn này cần được phân bổ hợp lý, vừa kích cầu nguồn vốn vay của thành phố vừa vừa gia tăng vốn xây dựng hạ tầng tại các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện để thu hút người mua", ông Quân cho biết.
Ngọc Diễm
Nhà đầu tư, khách hàng có thể tra cứu thông tin về hàng trăm dự án bất động sản, chủ đầu tư cùng hàng nghìn sản phẩm trên kênh dữ liệu Vhome do VnExpress phát triển.
Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
© Coyright 1997 VnExpress.net, All rights reserved
Tags:nhà ở xã hội
nhà ở cho công nhân
lợi nhuận
Tin cùng chuyên mục