Loại bỏ 'trâu cày' jeepney: Chưa có hồi kết ở Philippines
Cũng như bao nơi khác ở Philippines, đường phố Manila tràn ngập những chiếc jeepney sặc sỡ và ồn ào - Ảnh: NEW YORK TIMES
Những chiếc jeepney sặc sỡ và rộn ràng ở Philippines sẽ được thay thế bằng xe buýt cỡ nhỏ. Với mức giá gần 44.000 USD/chiếc, loại xe thay thế này giúp tiết kiện nhiên liệu, mang lại sự thoải mái và an toàn hơn loại xe cũ, theo báo New York Times.
Tuy nhiên, không phải tài xế xe jeepney nào cũng có đủ tiền để mua một chiếc xe mới, kể cả với sự hỗ trợ từ chương trình hiện đại hóa của Chính phủ Philippines.
Chương trình quy định ngân hàng nhà nước sẽ cho các tài xế jeepney vay tiền mua xe và thu hồi nợ hằng tháng dựa trên doanh thu từ xe mới.
Thế nhưng giới tài xế jeepney mô tả kế hoạch này là "ăn vào thu nhập và chôn họ trong nợ nần".
Kế hoạch này được chính quyền cựu tổng thống Rodrigo Duterte đề ra năm 2017, dự kiến triển khai trong năm 2018 nhưng sau đó phải hoãn lại vì các cuộc biểu tình của công đoàn tài xế.
Từ lâu, những chiếc jeepney sặc sỡ đã trở thành biểu tượng văn hóa của Philippines - Ảnh: NEW YORK TIMES
Jeepney nuôi sống bao thế hệ ở Philippines
Ông Vince Tabing - cháu nội của người sáng chế xe jeepney và hiện là chuyên viên điều hành viễn thông, cho biết ông có được như ngày hôm nay là nhờ những chiếc jeepney sặc sỡ.
"Sở hữu một chiếc jeepney giống như có một con trâu vậy. Tài xế phụ thuộc vào chiếc xe này để kiếm sống, giống như người nông dân phụ thuộc vào con trâu.
Viễn cảnh người nông dân phải thay con trâu - mà thường là họ đã dùng phần lớn tiền tiết kiệm để mua - bằng chiếc máy cày đắt gấp 3 lần là chuyện thật điên rồ", ông Tabing chia sẻ với báo New York Times.
Đường phố Philippines tràn ngập xe jeepney, ảnh chụp năm 1977 - Ảnh: GETTY IMAGE/DANIEL SIMON,GAMMA-RAPHO
Sau Thế chiến 2, ông Lamberto Tabing - ông nội của ông Vince Tabing, được quân đội Mỹ thưởng một chiếc xe jeep cũ.
Hợp tác với người bạn tên Leonardo Sarao, ông Lamberto đã chế tạo chiếc jeepney đầu tiên bằng cách dỡ bỏ mui và nới dài thân xe để thêm ghế ngồi.
Nhờ thu nhập kiếm được từ việc chế tạo và điều hành đội xe jeepney, ông nội của ông Tabing đã có được điều kiện cho con mình đi học và tạo dựng sự nghiệp.
Với mức giá dao động từ 2.700 - 4.600 USD một chiếc, xe jeepney trở thành cứu cánh cho tầng lớp thu nhập thấp của quốc gia Đông Nam Á này.
Ở một quốc gia có hệ thống giao thông công cộng kém phát triển như Philippines, jeepney là lựa chọn được ưa dùng nhờ giá vé rẻ.
Thậm chí với những người nghèo, sống tại các khu vực hẻo lánh nơi taxi không hoạt động, jeepney là lựa chọn duy nhất.
Xe jeepney là phương tiện đi lại ưa thích của đông đảo người dân Philippines ít tiền - Ảnh: NEW YORK TIMES
Hướng đi mới cho jeepney
Ông Mar Valbuena, người đứng đầu công đoàn vận tải Manibela với 10.000 thành viên, đã kêu gọi đồng nghiệp bãi công để phản đối kế hoạch của chính phủ, bắt đầu từ hôm 6-3.
Cuộc bãi công buộc chính quyền thủ đô Manila và thành phố Quezon, khu đô thị đông dân nhất đất nước, phải yêu cầu trường học và các hoạt động kinh doanh trực tiếp chuyển sang hình thức trực tuyến.
Tài xế jeepney biểu tình tại Manila để phản đối kế hoạch loại bỏ dòng xe này của chính phủ hôm 7-3 - Ảnh: NEW YORK TIMES
Tuy không thành công trong việc làm tê liệt hệ thống giao thông, cuộc bãi công đã buộc chính phủ phải xem xét lại. Ngày 7-3, đại diện công đoàn được mời đến Dinh Tổng thống và được cam kết kế hoạch loại bỏ jeepney sẽ một lần nữa hoãn lại.
"Thay vì loại bỏ, chính phủ nên giữ lại hình dáng xe jeepney và trang bị hệ thống động cơ hiện đại, thân thiện môi trường. Dĩ nhiên, giá thành cũng phải hợp lý", ông Valbuena đề xuất.
Tags:philippines
biểu tượng văn hóa
xe jeepney
rodrigo duterte
lamberto tabing
vince tabing
Tin cùng chuyên mục