03/06/2023 09:39

Ngân hàng truy quét tài khoản rác

 

Ngân hàng truy quét tài khoản rác

Khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng tại một nhà hàng trên đường An Dương Vương, quận 5, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhờ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành ngân hàng sẽ làm sạch dữ liệu, xác định chính chủ tài khoản và loại bỏ được tài khoản lập ra để đi lừa đảo.

Nhiều tài khoản người dùng không chính chủ

Ông Phạm Tiến Dũng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngành ngân hàng đang tích cực triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngày không tiền mặt 2023: Kết nối dữ liệu, thúc đẩy thanh toán thông minh

Nhờ đó, ngành ngân hàng sẽ xác thực khách hàng và làm sạch dữ liệu đã có trước đây. Mục tiêu là trong tháng 6 sẽ hoàn thành việc đối chiếu để làm sạch hơn 51 triệu tài khoản.

"NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo người thực hiện giao dịch là chính chủ tài khoản đồng thời triển khai giải pháp để hạn chế cho thuê, cho mượn tài khoản", ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Ông Đoàn Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước), cho hay qua kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay ngành ngân hàng đã đối soát được hơn 26 triệu tài khoản khách hàng. Nhờ đó loại bỏ những tài khoản rác, tài khoản đáng ngờ, tài khoản không chính chủ như được làm từ chứng minh nhân dân giả và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo.

Sẽ có ngưỡng buộc phải xác minh

Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho hay có nhiều tài khoản ngân hàng sau khi được "chính chủ" lập ra đã bị mang đi mua bán. Người sử dụng tài khoản và người đứng tên tài khoản là hai người khác nhau. Do vậy, việc kết nối dữ liệu với cơ quan công an chính là cơ hội để ngành ngân hànglàm sạch dữ liệucủa mình.

Hiện nay, nan giải nhất là nạn cho thuê, cho mượn tài khoản để nhận tiền lừa đảo, sau đó kẻ lừa đảo chuyển tiền đi lòng vòng qua nhiều tài khoản để chiếm đoạt. Như vậy, các ngân hàng phải làm sao chứng minh được người dùng là chính chủ vì hành vi lừa đảo chưa xảy ra khi mở mà chỉ xảy ra khi sử dụng tài khoản.

Theo thống kê bốn tháng qua, 90% giao dịch liên ngân hàng có giá trị dưới 2 triệu đồng, chỉ có 10% là giao dịch trên 2 triệu đồng. Tội phạm thường chỉ lừa tiền trăm triệu, tiền tỉ. Như vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thể đặt ngưỡng 5 triệu, 10 triệu đồng trở lên phải xác minh chính chủ.

Quá trình này chỉ mất 5 - 10 giây, hoàn toàn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng nhưng đảm bảo chính chủ, đúng theo quy định thông tư 23. Nếu xác minh không đúng chính chủ, ngân hàng có quyền tạm dừng giao dịch và yêu cầu xác thực tại quầy.

Ngân hàng cũng phải có trách nhiệm

Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận nhiều văn bản của công an các tỉnh thành điều tra các vụ án có liên quan cho mượn, cho thuê tài khoản.

"Luật Hình sự nghiêm cấm việc chiếm đoạt sử dụng trái phép tài khoản của người khác. Nhưng chế tài xử phạt hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản lại chỉ phạt hành chính. Một số người dân cho rằng việc cho mượn, cho thuê tài khoản là bình thường. Nhiều chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người dân ở vùng cao được các đối tượng tội phạm thuê, mượn để mở tài khoản ngân hàng", ông Tuấn chia sẻ.

Vì vậy khi định danh được khách hàng, ngành ngân hàng sẽ xử lý được tình trạng mua bán, cho thuê tài khoản này. Cũng trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ nghị định và ban hành thông tư hướng dẫn triển khai kết nối dữ liệu.

Ngoài ra, một vấn đề nữa mà Ngân hàng Nhà nước rất đồng thuận với Bộ Công an là các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng. Ngân hàng không thể chỉ cho mở tài khoản để phát triển mạng lưới và thu lợi để rồi những hậu quả, rủi ro thì cơ quan quản lý phải xử lý.

Tài khoản không chính chủ sẽ bị vô hiệu hóa

Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đã có một số ngân hàng như Vietcombank, Agribank, Techcombank, BIDV... thí điểm triển khai một số giải pháp xác thực định danh khách hàng.

Ông Tô Đình Tơn, phó tổng giám đốc Agribank, thông tin ngân hàng này đã làm việc với Bộ Công an để làm sạch tài khoản và loại bỏ những tài khoản giả mạo. Đồng thời trong tháng 6 Agribank sẽ triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch để làm sạch tài khoản.

Khi đến quầy giao dịch, căn cước công dân gắn chip của khách hàng sẽ được đưa vào thiết bị đọc dữ liệu. Ứng dụng này sẽ đảm bảo xác thực được chính xác khách hàng, an toàn bảo mật tuyệt đối vì được đối chiếu với dữ liệu gốc từ Bộ Công an.

Tags:

tài khoản

ngân hàng

Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục