Người Ma Coong ở xã miền núi Quảng Bình vay vốn nuôi trâu, bò để thoát nghèo, có người còn mua được cả ô tô
Người dân Ma Coong thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều (sống ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch. Các hộ vay vốn đã đầu tư nuôi, trồng, có người nuôi trâu mua được cả ô tô.
Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một xã vùng cao biên giới. Nơi đây, hơn 90% là người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều) sinh sống, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương, nhiều hộ gia đình ở Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân Hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế.
Ông Đinh Hợp (ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có lúc nuôi gần 100 con bò.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Đinh Hợp (ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Từ năm 1994, tôi đã nuôi bò ở vùng cao này. Năm 2009, tôi có quyết định táo bạo là đổi 11 con bò lấy máy cày hiệu Bông Sen để về cày ruộng lúa, nương ngô, nương sắn cho gia đình và bà con trong xã".
Năm 2015, ông Hợp vay 35 triệu đồng từ nguồn vốn vay dân tộc thiểu số và chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn ở Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch để mua thêm bò để nuôi. Thời điểm đó là lúc ông nuôi bò nhiều nhất với 80 con, trung bình mỗi con giá 10 triệu đồng.
Ông Đinh Hợp nuôi bò bằng hình thức chăn thả trên khu vực đồi của gia đình
Hiện tại, ông đang nuôi 40 con bò, ngoài ra, ông còn có 1 ha rẫy trồng sắn, rừng cao su rộng 6ha và gần 10 ha trồng keo. Trung bình mỗi năm, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng, đối với người Ma Coong, ông là người làm kinh tế giỏi và được mệnh danh là triệu phú chăn bò.
Còn ông Hồ Son (ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho hay: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện cận nghèo của xã, cuộc sống lúc đó chỉ biết vào rừng đốn gỗ, săn thú. Sau này, biết không thể dựa mãi vào rừng để sống, tôi chuyển qua trồng trọt, chăn nuôi, rồi tôi lên hỏi chính quyền địa phương cách thức vay vốn để tạo sinh kế".
"Sau đó, gia đình tôi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch và vay được 30.000.000 đồng. Có vốn trong tay, tôi mua bò về nuôi, sau nhiều năm, bò sinh sản đã thành đàn, có năm tôi thu về 75 triệu từ việc bán bò", ông Son nói.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình làm việc với Đảng ủy, UBND, Ban giảm nghèo và các tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Ông Đinh Cu - Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Thượng Trạch là xã miền núi, đời sống của đồng bào nơi đây rất vất vả, gặp nhiều khó khăn. Việc Ngân hàng Chính sách xã hội đặt điểm giao dịch cố định tại xã đã tạo thuận lợi cho bà con trong quá trình giao dịch. Đặc biệt, tại đây, các hội đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và bà con có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ, hướng dẫn nhau cách sử dụng vốn, kinh nghiệm sản xuất nên nguồn vốn phát huy được hiệu quả"
"Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch, luôn đáp ứng kịp thời nguồn vốn giúp bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ngân hàng. Kết quả mang lại đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Thượng Trạch hàng năm giảm 5% (kế hoạch đề ra giảm 3-5%)", ông Đinh Cu cho hay.
Thủy Ngọc
NHCSXH huyện Bố Trạch
Tin cùng chuyên mục