Tại sao ngày càng nhiều người dưới 50 tuổi mắc ung thư?
Ung thư khởi phát do đột biến gen khiến các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát. Hiện tượng đột biến này có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan hoặc mô nào của cơ thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trên toàn cầu.
Trước đây, ung thư chủ yếu được phát hiện ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, kể từ những năm 1990, tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư đã gia tăng ở những người dưới 50 tuổi ở nhiều nơi trên thế giới.
Tình trạng ung thư khởi phát sớm làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài, trong đó có vô sinh.
Xác định được các yếu tố nguy cơ khiến ung thư khởi phát sớm có thể giúp chúng ta ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị căn bệnh này.
Gần đây, các chuyên gia đã tiến hành xem xét nhiều nghiên cứu khác nhau để xác định các yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng ung thư khởi phát sớm.
Họ lưu ý rằng các yếu tố xoay quanh lối sống từ nhỏ như chế độ ăn uống, béo phì và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở người trẻ.
Tiến sĩ Andrew K. Dingwall, giáo sư sinh học và bệnh lý ung thư phòng thí nghiệm y học tại Đại học Loyola cho biết, lợi ích từ việc phân tích là tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận có định hướng hơn nhằm đối mặt với những thay đổi về sức khỏe này và có thể có tiềm năng mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài cho những cộng đồng bị ảnh hưởng.
Tiến sĩ Andrew K. Dingwall bày tỏ: "Nghiên cứu cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về tác động mà chế độ ăn uống, tập thể dục và môi trường có thể ảnh hưởng đến tình trạng ung thư khởi phát sớm”.
Uống rượu bia nhiều cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư (Ảnh minh họa: Nguồn Jim Bastardo/Getty Images)
Một nghiên cứu được công bố trên Clinical Oncology. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu toàn cầu từ những năm 2000 đến 2012 về tỷ lệ mắc 14 loại ung thư đã gia tăng tỷ lệ mắc ở người lớn dưới 50 tuổi. Các loại ung thư được nghiên cứu bao gồm: Ung thư vú; ung thư đại trực tràng; ung thư nội mạc tử cung; ung thư thực quản; ung thư đầu cổ; ung thư thận; bệnh đa u tủy; ung thư tuyến tụy; ung thư tuyến tiền liệt; ung thư dạ dày; ung thư tuyến giáp.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét các kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư, cùng với các tài liệu mô tả các đặc điểm lâm sàng và sinh học của khối u ở các trường hợp ung thư khởi phát sớm và muộn.
Các chuyên gia thừa nhận, tỷ lệ mắc ung thư ở người dưới 50 tuổi gia tăng một phần là do người dân ít tích cực đi khám sàng lọc hơn. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng các yếu tố khác có liên quan.
Lối sống và nguy cơ ung thư khởi phát sớm
Sau khi phân tích tài liệu, các nhà nghiên cứu lưu ý, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khoảng thời gian từ khi tế bào ban đầu bị tổn thương cho đến khi phát hiện ung thư lâm sàng có thể kéo dài đến vài thập kỷ.
Đáng chú ý, sự gia tăng ung thư khởi phát sớm tương quan với xu hướng lối sống phương Tây hoá tăng lên, bao gồm chế độ ăn, lối sống và môi trường.
Theo các chuyên gia, những thay đổi về lối sống bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 có thể là lý do khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư khởi phát sớm từ những năm 1990 tăng lên, vì ảnh hưởng của yếu tố sẽ mất thời gian để tích lũy.
Các yếu tố trong lối sống có thể làm tăng nguy cơ ung thư bao gồm:
- Chế độ ăn uống phương Tây hóa, được định nghĩa là có nhiều chất béo bão hòa, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đường và đồ ăn nhanh nhưng ít trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ.
- Tỷ lệ cho con bú thấp hơn và tăng tiêu thụ sữa công thức.
- Uống rượu bia nhiều hơn
- Thói quen hút thuốc, bao gồm cả hút thuốc thụ động
- Giảm chất lượng giấc ngủ ở trẻ em do đèn sáng vào ban đêm
- Làm việc ca đêm, vì điều này làm tăng tỷ lệ mắc các nguy cơ gây ung thư như béo phì và tiểu đường
- Những thay đổi về sinh sản, bao gồm giảm độ tuổi sinh nở
- Ít hoạt động thể chất và thói quan ít vận động
- Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng
Các nhà nghiên cứu viết thêm, 8 trong số 14 bệnh ung thư trong nghiên cứu có liên quan đến hệ tiêu hóa, cho thấy tầm quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột và miệng đối với nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh, dinh dưỡng, lối sống và đặc biệt việc sử dụng kháng sinh là các yếu tố ảnh hưởng đến cân bằng vi sinh vật trong cơ thể và làm tăng nguy cơ ung thư.
Lối sống làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào?
Khi được hỏi làm thế nào để biết rằng các yếu tố lối sống có thể làm tăng nguy cơ ung thư khởi phát sớm, Tiến sĩ Gypsyamber D’Souza, giáo sư dịch tễ học ung thư tại Đại học Johns Hopkins trả lời: “Các yếu tố về lối sống như béo phì, ít vận động và chế độ ăn uống nghèo nàn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư. Những yếu tố này có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư trực tiếp và gián tiếp. Ví dụ, chúng có thể gây tăng viêm và ảnh hưởng hoặc phá vỡ các quá trình điều tiết tế bào, từ đó trực tiếp làm tăng nguy cơ ung thư. Chúng cũng có thể gây ra các bệnh mãn tính khác, do đó, gián tiếp làm tăng nguy cơ ung thư".
Lối sống của con người đã thay đổi trong vài thập kỷ qua, những đặc điểm không lành mạnh cũng xuất hiện ở những thời điểm sớm hơn trong đường đời. Chẳng hạn, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em ngày nay cao hơn so với 30 năm trước và trẻ em ngày nay tiêu thụ lượng đồ uống có đường cao hơn so với cách đây 30 - 40 năm.
Vai trò của môi trường
Các nhà nghiên cứu kết luận, các yếu tố nguy cơ khiến ung thư khởi phát sớm có thể liên quan đến việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trong giai đoạn đầu đời và tuổi thanh niên từ giữa thế kỷ 20 trở đi.
Tiến sĩ Tomotaka Ugai, thành viên nghiên cứu bệnh học tại Bệnh viện Brigham and Women, Trường Y Harvard, một trong những tác giả của nghiên cứu, nêu ra một số hạn chế khi phân tích. Nhóm chuyên gia không có dữ liệu đầy đủ từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để xác định xu hướng tỷ lệ mắc bệnh ung thư trong nhiều thập kỷ qua. Ông hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu này bằng cách thu thập thêm dữ liệu và hợp tác với các viện nghiên cứu quốc tế để theo dõi tốt hơn mọi xu hướng trên toàn cầu.
Một hạn chế khác là sự ít ỏi của các nghiên cứu và dữ liệu về việc tiếp xúc với môi trường xung quanh từ khi còn nhỏ và mẫu sinh phẩm. Chúng ta cần đầu tư dài hạn và cam kết cho các nghiên cứu chuyên sâu về đề tài này.
Làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư
Khi được hỏi làm thế nào mọi người giảm nguy cơ ung thư nhờ những phát hiện này, Tiến sĩ Ugai khuyến nghị những thay đổi trong lối sống như sau:
- Tránh ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, mỡ động vật, đồ ngọt và quá nhiều thịt đỏ
- Hạn chế ăn đường
- Tập thể dục thường xuyên
- Hạn chế hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc
- Hạn chế sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn
- Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bổ dưỡng, cân bằng
- Cố gắng ngủ đủ giấc, đúng giờ và tránh ánh sáng chói vào ban đêm
- Giảm công việc làm ca đêm càng nhiều càng tốt
Tin cùng chuyên mục