13/10/2022 13:43

Vì sao ba lô của học sinh Nhật Bản có giá lên tới hàng chục triệu đồng?

 

Randoseru là một loại ba lô có mặt cứng được làm bằng da khâu chắc chắn hoặc vật liệu tổng hợp giống như da, thường được học sinh tiểu học sử dụng ở Nhật Bản. Chiếc ba lô này không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà hiện còn được nhiều học sinh trên toàn thế giới sử dụng. Ở Việt Nam, chúng có tên là "cặp chống gù".

Randoseru, xuất phát từ tiếng Hà Lan là "ransel", có nhiều mức giá khác nhau. Có thể tìm thấy những chiếc ba lô này với giá khoảng 80 USD (khoảng 1,9 triệu đồng) nhưng những chiếc ba lô bằng da mà phần lớn các bậc cha mẹ ở Nhật Bản mua cho con đều có giá khoảng 300-900 USD (khoảng 7,2-21,5 triệu đồng) hoặc thậm chí đắt hơn nữa. Tất cả tùy thuộc vào chất liệu và sản phẩm có được sản xuất tại Nhật Bản hay không.

Vì sao ba lô của học sinh Nhật Bản có giá lên tới hàng chục triệu đồng?

Học sinh Nhật Bản đeo ba lô randoseru tới trường (Ảnh: Living in Japan).

Hầu hết các randoseru đều được sản xuất tại Nhật Bản và đây là "điểm cộng" của chiếc ba lô này. Những chiếc ba lô chống gù có chất lượng bền, tốt và được sử dụng bởi trẻ em từ lớp một đến lớp sáu. Chúng cần phải được sản xuất với chất lượng tốt bởi vì trẻ em Nhật Bản có thể sử dụng chiếc ba lô này liền trong sáu năm học. Một số nhà sản xuất cung cấp phiếu bảo hành trong sáu năm cho chiếc ba lô của họ.

Randoseru được chế tạo chắc chắn và nặng hơn một kg. Chiếc ba lô được trẻ em ở các trường tiểu học tại Nhật Bản yêu thích vì chức năng của nó. Những chiếc ba lô này có chức năng như một tấm đệm nếu trẻ em bị ngã và tiếp đất từ phía sau lưng. Ngoài ra, khi xảy ra động đất, ba lô có thể bảo vệ trẻ em khỏi các đồ vật rơi xuống người.

Ở các trường tiểu học công lập Nhật Bản, trẻ em đi bộ đến trường ngay cả trong ngày mưa. Chiếc ba lô của các em có khả năng chống thấm nước tốt nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi mưa nhỏ, giúp sách giáo khoa và vở của học sinh luôn khô ráo.

Những chiếc ba lô của học sinh Nhật Bản có phần quai đeo vai dày và rộng. Đệm ở phía sau được thiết kế để phù hợp với kích cỡ lưng của trẻ em. Chiếc ba lô nhìn có vẻ nặng nề nhưng thực ra đã được thiết kế theo cách hợp lý khiến người sử dụng cảm thấy khá nhẹ nhàng khi đeo trên lưng.

Nguồn gốc của từ "randoseru" bắt nguồn từ "ransel", tên một loại ba lô quân sự của Hà Lan. Trong thời kỳ Edo, hệ thống quân sự theo kiểu phương Tây du nhập vào Nhật Bản, quân đội Nhật Bản cũng dùng những chiếc ba lô theo kiểu Hà Lan để đựng hành lý.

Thời kỳ Minh Trị, những chiếc ba lô này bắt đầu được sử dụng làm cặp của học sinh. Trường Gakushuin ở Tokyo, Nhật Bản là trường đầu tiên sử dụng những mẫu ba lô này. Sau đó, một chiếc ba lô rất giống với mẫu randoseru ngày nay đã ra đời. Chiếc ba lô đã được cựu thủ tướng Nhật Bản Ito Hirobumi tặng cho Thiên hoàng Taisho khi Thiên hoàng đi học tại trường Gakushuin. Theo thời gian, những chiếc ba lô randoseru dần trở nên phổ biến và được học sinh Nhật Bản yêu thích trên toàn quốc.

Vì sao ba lô của học sinh Nhật Bản có giá lên tới hàng chục triệu đồng?

Ba lô randoseru có giá bán cao ngất ngưởng (Ảnh: Living in Japan).

Những năm gần đây, ba lô randoseru đã được quốc tế quan tâm khi chiếc ba lô này xuất hiện trong các bộ phim hoạt hình, truyện tranh nổi tiếng Nhật Bản. Nó cũng được biết tới nhiều hơn sau khi một biểu tượng thời trang người Mỹ là diễn viên Zooey Deschanel đeo chiếc ba lô randoseru màu đỏ xuất hiện trên đường phố New York, Mỹ. Ở phương Tây, ba lô randoseru được người trưởng thành sử dụng như một món đồ thời trang.

Mười năm gần đây, màu sắc và kiểu dáng của mẫu ba lô này đã có sự đa dạng hơn nhiều. Hiện tại, một số công ty sản xuất ba lô randoseru ở Nhật Bản có thể bán những chiếc ba lô cho người lớn có giá lên tới gần 1.200 USD (khoảng 28,7 triệu đồng).

Những chiếc randoseru làm từ da rắn, da lợn rừng, đà điểu, đính vàng và bạch kim được bán giá cao ngất ngưởng và trẻ em bình thường không đeo những chiếc ba lô như vậy. Những mẫu ba lô sang chảnh đó dường như dành cho những fashionista hoặc chỉ đơn thuần là sản phẩm để các công ty quảng bá thương hiệu.

Xu hướng của ba lô randoseru cũng thay đổi hàng năm. Trước đây mẫu ba lô này được biết đến với hai màu phổ biến là đen và đỏ nhưng hiện tại một số nhà sản xuất đã biến tấu màu sắc của chúng lên đến 50 màu khác nhau.

Theo livinginjapan.net

Tags:

Đọc báo

báo điện tử dantri

Giáo dục - Hướng nghiệp

Tin cùng chuyên mục