09/12/2022 10:59

Vị thế người thầy, vinh quang và trọng trách!

 

Vị thế người thầy, vinh quang và trọng trách!

Niềm tin và lòng yêu nghề giúp cho các thầy cô vượt qua nhiều khó khăn để đứng lớp. Ảnh: Hải Nguyễn

Những chiến sĩ "tấn công giặc dốt"

Ngày 2.9.1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng lúc đối mặt với nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm. Thống kê thời kỳ đó, cứ 100 người thì có 95 người thất học.

Trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 việc cấp bách, trong đó, chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau phát động chiến dịch tăng gia sản xuất - tức chống nạn đói.

Ngay sau đó, Hồ Chủ tịch đã ra bản hiệu triệu đồng bào tham gia chống nạn mù chữ, khuyên người chưa biết chữ phải thi đua đi học, những người đã biết phải thi đua dạy học; kêu gọi mọi người, kẻ giúp của, người giúp công để tiêu diệt giặc dốt.

Lời hiệu triệu đó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của thầy Nguyễn Trọng Thắng (88 tuổi, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội). Để rồi khi mới hơn 10 tuổi, nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "mỗi người biết chữ phải là một giáo viên bình dân học vụ", cậu học trò Thắng hồ hởi tham gia.

"Thầy giáo nhí" năm đó đã đưa những câu hát, những ví dụ so sánh để mọi người dễ học và nhớ lâu: "O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội nón, Ơ thì thêm râu/ O, A hai chữ khác nhau/vì A có cái móc câu bên mình...". Bằng cách dạy học này, những người lớn tuổi cũng nhớ được chữ, người dân vừa cấy gặt vừa đọc chữ, vừa giặt giũ vừa ôn bài.

Ký ức đẹp về những ngày dạy bình dân học vụ vẫn lưu giữ trong tim, thầy Thắng quyết tâm theo học sư phạm. Năm 1957, thầy xung phong về dạy học tại Bố Hạ (Yên Thế, Bắc Giang). 

Trong hoàn cảnh nghèo khó giữa núi rừng đại ngàn, lớp học tranh tre cũng được dựng lên với bàn ghế bằng mai vầu ghép tạm. Thiếu thốn từ trang vở, chiếc bút, cái bảng đen đến viên phấn trắng, nhưng ý chí, nghị lực, tình yêu nghề, lòng yêu học trò đã giúp thầy giáo trẻ vượt qua nghịch cảnh, dốc tâm cống hiến. 

Giáo viên thời nào cũng yêu nghề, yêu trẻ

Vị thế người thầy, vinh quang và trọng trách!

Thầy Nguyễn Trọng Thắng khẳng định, nghề giáo là nghề đáng tự hào. Ảnh: Văn Thắng

Công tác trong ngành Giáo dục gần 30 năm, thầy Nguyễn Trọng Thắng khẳng định, nghề giáo là nghề đáng tự hào. Trong xã hội xưa, người thầy có vị trí vô cùng quan trọng, thứ bậc của người thầy được tôn vinh. Thầy yêu trò, trò kính thầy, nhân dân tôn trọng thầy.

Người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy những lễ nghi, phép tắc, đạo đức, dạy cách làm người theo chuẩn mực. Vì thế, người thầy trong truyền thống là người mẫu mực về nhân cách, uyên thâm về trí tuệ.

Theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội, vị thế của người thầy vẫn luôn được đề cao nhưng ít nhiều có sự đổi thay với từng giai đoạn lịch sử. 

Trong năm 2022, hơn 16.000 giáo viên đã xin nghỉ việc hoặc chuyển qua khối tư thục. Nguyên nhân chính là do thu nhập từ nghề không đáp ứng đủ nhu cầu căn bản của cuộc sống, quá tải với các thủ tục hành chính, môi trường làm việc nhiều rủi ro và nhiều áp lực khiến họ trở nên kiệt quệ về cảm xúc và tinh thần.

Song theo thầy Nguyễn Trọng Thắng, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước thì người thầy vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người trực tiếp làm công tác giáo dục, trực tiếp đào tạo thế hệ tương lai.

Trong ký ức của những chiến sĩ "diệt giặc dốt" như thầy Thắng hay những giáo viên hiện nay đang công tác trong ngành giáo dục, dù công việc có khó khăn hay áp lực, thì trong họ luôn giữ được "lửa nghề". Thầy cô luôn tự hào về nghề của mình, một nghề vinh quang nhưng cũng gánh trên vai nhiều trọng trách. Và đặc biệt, tình yêu thương dành cho học trò không bao giờ thay đổi, đây cũng là động lực để giúp thầy cô cống hiến mỗi  ngày. 

Trong thời gian qua, trong các hành trình tác nghiệp, phóng viên Báo Lao Động đã ghi lại rất nhiều câu chuyện sinh động và chân thực về tấm gương nhà giáo hy sinh thầm lặng cho nghề.

Đó là các thầy cô của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân (huyện Mai Châu, Hòa Bình), ngày lên bục giảng tối đi đánh cá nuôi học trò. Mặc dù thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, những giáo viên nơi đây kiên trì bám trụ và dành cho học trò của mình một tình cảm to lớn. Thứ tình cảm đó không hẳn là tình thầy - trò, mà là tình yêu thương của những người ruột thịt. Năm nào cũng vậy, 20.11, tình cảm mà thầy cô nhận từ học trò là những đóa hoa rừng, nhưng ai cũng thấy hạnh phúc vô cùng.

Đó là câu chuyện về những cô giáo mầm non, những nữ giảng viên, tình nguyện xung phong vào tâm dịch, góp chút sức lực nhỏ bé của mình, để cùng cả nước chống dịch COVID-19.

Và 20.11 năm nay, chúng tôi muốn nói đến những hy sinh thầm lặng của các thầy cô nội trú Trường Hy Vọng (Đà Nẵng), những người đang ngày đêm chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho hơn 200 trẻ mồ côi vì COVID-19. 

Tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, Lữ Thị Thùy Linh (Nghệ An) đã xin được vào dạy một trường mầm non ở quê nhà theo đúng nguyện vọng - là trở thành một cô nuôi dạy trẻ. Nhưng khi đọc những mẩu tin tức trên về dự án Trường Hy Vọng, thương các em nhỏ không may mất đi người thân vì dịch bệnh, Linh đã quyết định từ bỏ công việc ở quê để viết đơn tình nguyện xin vào làm giáo viên nội trú trong trường Hy Vọng.

Đây cũng là lần đầu Linh xa quê. Đối với cô, Hy Vọng là ngôi nhà thứ hai và những đứa trẻ nơi đây như những người ruột thịt.

Kiến tạo trường học hạnh phúc

Ngày 20.11 năm nay, cả nước tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động để tri ân những người đã và đang công tác trong ngành Giáo dục. Nghề giáo xưa và nay vẫn luôn có một vị thế đặc biệt, nhận được sự kính trọng của toàn xã hội. Nhưng người theo nghề giáo bây giờ phải chịu áp lực từ nhiều phía, gia đình, nhà trường và dư luận xã hội. Đặc biệt, thầy cô cần sự chia sẻ và chung tay, để cùng kiến tạo một môi trường giáo dục hạnh phúc.

Năm học 2022 - 2023 được xác định là năm học trọng tâm triển khai đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Trong sự đổi mới đó thì việc xây dựng những ngôi trường hạnh phúc được coi là nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục.

"Làm thế nào để giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc?" là dấu hỏi lớn được nhiều người đặt ra. Hiến kế cho ngành Giáo dục, thầy Nguyễn Duy Khánh - Giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng, môi trường học đường phải thật sự thay đổi để học sinh được hạnh phúc.

Ở đó, học sinh được làm điều mình thích, cảm thấy thích thú khi đến trường mà không có nhiều áp lực. Muốn điều này trở thành hiện thực thì học sinh cần được yêu thương chia sẻ nhiều hơn, các em cần được giảm bớt kiến thức hàn lâm; thay vào đó là học nhiều hơn về thể dục thể thao, được giáo dục tốt về lòng biết ơn, bao dung, sẻ chia, đặc biệt là giáo dục trải nghiệm để có nhiều kĩ năng. Điều này giúp học sinh tốt hơn về mặt thể hình, trí tuệ và cảm xúc hài hoà.

Với giáo viên, họ cần được đáp ứng nhu cầu cơ bản, cải thiện lương để nuôi sống được bản thân và gia đình. Họ cần được cải thiện về môi trường làm việc bằng cách giảm bớt thủ tục hành chính, có thời gian phát triển bản thân, nâng cao chuyên môn và quan tâm tới từng học sinh. Và hơn hết, nhà giáo cần sự chung tay, sẻ chia của phụ huynh trong nhiệm vụ giáo dục những thế hệ mầm non của đất nước. Bởi suy cho cùng, ai cũng từng được giáo dục để lớn khôn. 

"Ngành Giáo dục - Đào tạo đang đứng trước cơ hội, trọng trách, yêu cầu, thách thức rất lớn. Mục tiêu phát triển trong thời gian sắp tới của đất nước ta là trở thành một nước công nghiệp, có nền thu nhập khá, đời sống người dân được cải thiện. Để đạt được mục tiêu đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là một trong ba đột phá chiến lược. Và giáo dục - đào tạo là giải pháp rất quan trọng để thực hiện được đột phá chiến lược đó.

Để có được một thế hệ người Việt Nam mới với những phẩm chất, năng lực mới trong giai đoạn hội nhập quốc tế và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì giáo dục - đào tạo cần phải ra sức đổi mới. Trong thực tế, ngành Giáo dục - Đào tạo cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi, mà theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương là đổi mới căn bản, toàn diện.

Trong đó có 2 nhiệm vụ rất trọng tâm, đó là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới trong quản trị đại học, trong thực hiện tự chủ đối với hệ thống giáo dục đại học. Như vậy, từ hệ thống phổ thông cho đến đại học đều đang đặt ra nhiệm vụ về chuyển đổi, về đổi mới, về nâng cao chất lượng.

Trong các biện pháp, những trụ cột để có thể giải quyết được nhiệm vụ, thách thức đó, ngành Giáo dục - Đào tạo xác định phát triển đội ngũ nhà giáo, dựa vào lực lượng nhà giáo, phát huy trách nhiệm của lực lượng nhà giáo, lấy việc đổi mới phương pháp, tư duy của đội ngũ nhà giáo là phương diện rất quan trọng. Cho nên có thể nói, lực lượng nhà giáo chưa bao giờ đặt trước trách nhiệm, sứ mệnh vinh quang như bây giờ; nhưng cùng với đó, thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn thể lực lượng trong ngành Giáo dục luôn mong muốn được xã hội quan tâm nhiều hơn, quan tâm một cách thiết thực hơn, có sự chia sẻ cụ thể hơn đối với nhà giáo trong công việc. Nhưng trước hết, để có được sự chia sẻ, tôn vinh từ phía xã hội, chính chúng ta phải làm thật tốt các công việc của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta khẳng định giá trị bền vững của nghề nghiệp, sự tốt đẹp bền vững của nghề giáo". 

Tags:

Kỷ niệm

40 năm

Ngày Nhà giáo Việt Nam

Vị thế người thầy

vinh quang

trọng trách

Ngành Giáo dục - Đào tạo

Tin cùng chuyên mục