Cấm thuốc lá điện tử trong trường học: Phải làm ngay và luôn
Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi tọa đàm "Thuốc lá điện tử trong trường học, nhận diện và cách phòng chống", do báo Tiền Phong tổ chức chiều 19/12.
Thuốc lá điện tử chứa nicotin gây nghiện, gây ung thư và nhiều bệnh lý khác (Ảnh: T.L).
Co giật cơ tim, chết não vì thuốc lá điện tử
Là người trực tiếp cấp cứu và chữa trị cho những bệnh nhân bị nhiễm độc do thuốc lá điện tử, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho hay, không có bất cứ lá gì ở trong thuốc lá điện tử, thực tế nó là chất nicotin dạng hơi.
Khi hóa chất được đốt cháy nhanh, đột ngột, liều cao sẽ tạo ra nhiều chất khác nhau khá nguy hiểm.
Có thể chia tác hại của thuốc lá điện tử làm 3 nhóm:
Thứ nhất, thuốc lá điện tử chứa nicotin gây nghiện.
Thứ hai, nó chứa chất phụ gia với khoảng 60 hóa chất khác nhau, khi khói bốc lên có khoảng 40 hóa chất.
Có rất nhiều nghiên cứu trên động vật và trên người đã khẳng định thuốc lá điện tử có thể gây tác động lên tất cả các bộ phận cơ thể như: Viêm phế quản, ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…. Nhiều hơn rất nhiều bệnh do thuốc lá thông thường gây ra.
Thứ ba, thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy. "Trong thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong lăn quay ra bất tỉnh, người sống thì ngơ ngác.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai (Ảnh: N.H).
Có người đến viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não,… Theo xác minh, chúng tôi đã phát hiện nhiều loại ma túy mới, chất gây nghiện, ma túy tổng hợp mới xuất hiện trong thuốc lá điện tử", BS Nguyễn Trung Nguyên cung cấp thông tin.
Đứng dưới góc độ tâm lý, Thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh cho hay, vấn đề thuốc lá điện tử không riêng ở Việt Nam, không chỉ trong học sinh, sinh viên mà cả người lớn.
Khi các loại chất cấm, chất gây nghiện xâm nhập vào học đường dưới những hình thức mới lạ, thậm chí là trá hình dễ gây nhầm lẫn khi người sử dụng chưa được trang bị đầy đủ hiểu biết cũng như kỹ năng để tự bảo vệ bản thân.
Đây là nguyên nhân chất cấm, chất gây nghiện vẫn có thể len lỏi vào trong môi trường học đường.
Thầy Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội cũng chia sẻ, nhà trường rất quan tâm tới tác hại phòng chống thuốc lá trong học đường. Theo đó, lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động dưới cờ.
Thế nhưng việc phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học cũng gặp không ít khó khăn. Đó là sản phẩm dễ mua, có loại không để lại mùi, khó phát hiện.
Thiết bị được ngụy trang dưới dụng cụ sử dụng hằng ngày. Đây là khó khăn cho công tác quản lý của nhà trường.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc sở Công thương Hà Nội (Ảnh: N.H).
Cần nâng chế tài với thuốc lá điện tử
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc sở Công thương Hà Nội, nguyên Phó thường trực Ban Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại 127 TP Hà Nội cho rằng, thuốc lá điện tử với học sinh là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến thế hệ trẻ, nòi giống, sức khỏe.
"Trước đây chúng ta chống buôn lậu thuốc lá truyền thống nhưng thuốc lá hiện nay được bán công khai. Là bậc cha chú, tôi thấy rất đau lòng trước vấn nạn thuốc lá điện tử.
Theo tôi, phải có nhận thức về tác hại của nó nhận thức đúng, nhận thức đủ mới hành động được.
Trước đây cứ nói là chống nhưng cấm thế nào đối với hàng chục triệu học sinh. Do vậy cần phải có quan điểm dứt khoát là cấm hay không. Còn nếu chỉ hạn chế hay không thuốc lá nơi công cộng không giải quyết được vấn đề", ông Phú nói.
Thạc sỹ tâm lý Đỗ Trần Phương Anh (Ảnh: N.H).
Cũng theo chuyên gia này, thuốc lá điện tử phải làm triệt để. Từ sản xuất, vận chuyển, buôn bán, giao dịch, tàng trữ…, hàng loạt các mệnh đề đi theo. Có cầu sẽ có cung và ngược lại nên phải chặn cả cung và chặn cả cầu.Nếu cứ để lơ lửng thì nhiều người sẽ phải chịu hậu quả trong thời gian tới.
"Việc cấm thuốc lá điện tử trong trường học chúng ta phải làm sớm, giờ đã được coi là chậm nhưng còn hơn không.
Quan điểm của chúng ta cần dứt khoát cấm hay không cấm, không thể "trung bình chủ nghĩa" như hiện nay.
Chúng ta phải chặn cả cung, chặn cả cầu. Nếu chỉ có chữ "cấm" và lơ lửng không giải quyết được thì nhiều người sẽ chịu hậu quả trong thời gian tới.
Mặt khác, tôi cho rằng cần nâng chế tài với thuốc lá điện tử thế hệ mới để tránh việc lợi dụng "khoảng trống trong quản lý nhà nước", ông Phú khẳng định.
Cũng trên quan điểm này, BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, việc đưa ra các văn bản có thể phức tạp nhưng nhất định phải làm ngay.
Trước mắt, các cơ quan chức năng cần đưa ra văn bản cấm khẩn cấp, không quan trọng tên gọi bởi nếu đợi ra được luật thì chắc rất lâu.
"Hiện, số lượng bệnh nhân liên quan đến thuốc lá điện tử đang ngày càng tăng lên và rất nhiều bệnh mới đã và đang len lỏi trong người dân", BS Nguyễn Trung Nguyên lo lắng nói.
"Theo nghiên cứu, trong thuốc lá điện tử có 60 hóa chất khác nhau, khói bốc lên có khoảng 40 hóa chất. Theo các chuyên gia, có hàng nghìn chất hóa học khác nhau tạo nên thuốc lá điện tử, sau khi đốt cháy tạo nên nhiều loại hóa chất khác nhau, gây nên một loạt các bệnh mới.
Mới đây ở Mỹ phát hiện gần 3.000 người trẻ bị tổn thương phổi nặng do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có khoảng 60 người tử vong.
Có người cho cả Vitamin E vào thuốc lá điện tử, khi đốt cháy sẽ biến thành chất độc gây tổn thương phổi. Phải nhấn mạnh rằng: Càng ngày càng nhiều bệnh mới do sử dụng thuốc lá điện tử".
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai.
Tags:Đọc báo
báo điện tử dantri
Tin cùng chuyên mục