Hai sự thật cha mẹ phải chấp nhận về con cái mình
Cha mẹ cần hiểu: nuôi con khi nhỏ có khi khác hoàn toàn khi lớn (hình minh họa)
Ngay cả gia đình có truyền thống giỏi giang, giàu có hoặc tài năng hơn người cũng khó có thể đảm bảo con cái cũng như vậy. Đó là một thực tế song cha mẹ lại cảm thấy buồn phiền và thất vọng nếu mọi chuyện không như mong muốn dẫn đến kết cục làm khổ mình, khổ con.
Đích cuối cùng của cuộc đời là mong được bình an, vậy cha mẹ hãy sớm biết chấp nhận 2 sự thật sau đây để thanh thản cho con cái và cho cả chính mình.
Con cái đi ngược lại với mong muốn của cha mẹ
Cha mẹ nào cũng tưởng tượng con mình sẽ trở thành những nhân vật tương lai mơ ước, vì thế kỳ vọng con rất nhiều. Tuy nhiên, phần lớn kỳ vọng của cha mẹ không trùng khớp với ước mơ của con. Có vô số bằng chứng, kể cả những gia đình bố mẹ xuất chúng cũng khó có thể toại nguyện như ý.
Nhiều gia đình có cha là luật sư, mẹ là giám đốc. Cha mẹ kỳ vọng con trai có thể trở thành một nhà tài phiệt phố Wall hay luật sư nổi tiếng. Nhưng ước mơ của người con là trở thành một nhà phát minh, hoặc một nghệ sĩ bởi vì trong quan niệm của con, chỉ lo kiếm tiền sẽ rất nhàm chán.
Hay như một gia đình khác đã ly hôn. Cha là một giáo viên dạy khiêu vũ, để thực hiện ước mơ kế thừa công việc của mình, cha đã dạy khiêu vũ cho con ngay từ nhỏ. Mặc dù có lợi thế về khiêu vũ nhưng con lại rất thích bóng đá. Tình yêu dành cho bóng đá lớn hơn khiêu vũ. Những mơ ước trong tương lai của con liên quan đến bóng đá.
Không ít cha mẹ đã trải qua sự vỡ mộng từ "con mình phải trở thành thiên tài" cho đến khi "chỉ cần con sống bình an’’. Là cha mẹ, những gì bạn có thể làm không phải là đào tạo con cái mình trở thành những người vĩ đại như mong ước của bản thân. Điều quan trọng các bậc phụ huynh cần làm là tạo mọi điều kiện để trẻ có thể nhìn thấy thực tế, chấp nhận những điều bình thường và hướng dẫn chúng sống một cách có ý nghĩa trong thế giới của riêng mình.
Cuối cùng, làm cha mẹ tốt là kỳ vọng không sai nhưng phải tôn trọng con cái, quyền quyết định cuối cùng phải nằm trong tay đứa trẻ. Chỉ bằng cách cho con quyền ước mơ và can đảm khám phá thế giới, con mới có thể mọc thêm đôi cánh để bay cao, bay xa.
Quyền lên tiếng của cha mẹ rất hạn hẹp
Trước tuổi mẫu giáo, những lời nhắc nhở của cha mẹ vô cùng có ý nghĩa, con cái hầu hết sẽ vâng lời. Tuy nhiên, sau 12 tuổi, những lời nói của cha mẹ thường bị trẻ không xem trọng.
Bi kịch ở chỗ, khi con cái lớn lên, nhiều bậc cha mẹ vẫn áp dụng các phương pháp giáo dục khi chúng còn nhỏ. Điều này khiến cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái càng nổ ra.
Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu theo đuổi sự tự do, từ ăn mặc đến suy nghĩ. Chúng sẽ có suy nghĩ và những nhu cầu riêng. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không thể áp đặt khi cha mẹ đưa ra những yêu cầu.
Khi đứa trẻ lớn lên, quyền nói của cha mẹ dần trở nên vô hiệu hoá. Song ít bậc cha mẹ để ý đến điều này. Họ vẫn giữ thói quen kiểm soát cuộc sống của con cái và tất cả những gì họ nhận lại là sự phản kháng, nổi loạn.
Tất nhiên vẫn có một số trẻ vẫn giữ mối quan hệ tốt với cha mẹ do cha mẹ luôn tôn trọng mong muốn của chúng, làm bạn với chúng và chấp nhận với những lựa chọn và quyết định của chúng. Lúc này cha mẹ không nên cảm thấy lạc lõng hay buồn phiền. Hãy bình tĩnh đứng về phía con, dành cho chúng sự ủng hộ mạnh mẽ nhất với những lời động viên chân thành nhất.
Theo Raisingchildren
Tags:phương pháp giáo dục
tuổi dậy thì
khám phá thế giới
Tin cùng chuyên mục