03/02/2022 17:49

Ngọn tháp bí ẩn nơi biên giới

Nằm ở xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tháp Yên Hòa cao gần 30 m, đắp nhiều hoa văn tinh xảo. Hiện nguồn gốc, năm xây dựng tháp vẫn là bí ẩn.

Từ trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, khách phải vượt khoảng 60 km đường bộ, hoặc ngược sông Nậm Nơn 4 giờ mới tới tháp. Công trình nằm trên sườn núi khá bằng phẳng, bao quanh là khu dân cư, cách đường biên giới với Lào vài km.

Tháp được xây bằng gạch đất nung, liên kết bằng vôi vữa trộn cát, bốn mặt có cấu tạo giống nhau, đắp nhiều phù điêu, hoa văn. Chân tháp hình vuông, cạnh 4,5 m, không có cửa; thân nhỏ dần về phần ngọn, tổng chiều cao gần 30 m. Hiện tháp có nhiều vết nứt, lỗ thủng, gạch bị bong tróc ở phần chân.

Ngọn tháp bí ẩn nơi biên giới

Toàn cảnh tháp Yên Hòa. Ảnh: Hải Bình

Theo ông Lô Văn Liễu, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, chưa có tài liệu nghiên cứu nào về tháp. Qua truyền miệng của nhiều thế hệ dân bản, tháp có từ thế kỷ XI. Bấy giờ, nơi đây còn có ngôi chùa, có nhiều sư tăng thờ tự và truyền bá đạo Phật.

Tháp có rất nhiều tượng Phật bằng đồng được xếp xung quanh và giấu phía trong. Đỉnh tháp còn có viên xá lợi màu xanh da trời, nhưng bị mất từ lúc nào không rõ. Sau nhiều biến cố, chùa bị sập, chỉ trơ trọi ngọn tháp.

Đến những năm 80 của thế kỷ XX, do lời đồn trong tháp có của quý nên kẻ xấu đã chọc thủng nhiều lỗ ở thân tháp tìm kiếm. Nhiều tượng Phật bằng đồng từ vài chục cm trở lên nằm trong thân tháp bị lấy đi. Vài năm sau, người dân phát hiện một số tượng Phật bị bỏ lại quanh thân tháp, từ đó xuất hiện nhiều câu chuyện nhuốm màu bí ẩn như kẻ trộm tượng Phật gặp xui xẻo nên chủ động trả tượng.

"Một số tượng Phật do người dân thu gom, bàn giao, chính quyền xã và bản đang bảo quản. Đây được xem là tài sản quý, sau này nếu tháp được trùng tu, những tượng này sẽ được trả về vị trí cũ", ông Liễu nói và cho rằng chính việc kẻ xấu đục lỗ tìm kiếm tượng đồng và tác động của thời gian khiến phần gạch xây lâu ngày ngấm nước, bong tróc, tháp có nguy cơ sập.

Ngọn tháp bí ẩn nơi biên giới

Một số tượng đồng được kẻ xấu trả lại, hiện do chính quyền xã bảo quản. Ảnh: CTV

Hiện vào mùng một, ngày rằm và lễ Tết, bà con dân tộc Thái ở bản đều mang hương hoa, bánh trái tới gần tháp cầu bình an. Để tránh nguy hiểm cho người dân, UBND xã Mỹ Lý dựng biển cảnh báo. "Chúng tôi mong tháp được tu bổ để trở thành điểm tâm linh, giữ lại di tích văn hóa độc đáo", ông Liễu nói.

Ông Hồ Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An), cho biết trước đây tháp có tên Xằng Tớ (ý nói một cái bản ở khu vực tháp), về sau khi lập bản Yên Hòa thì mang tên bản.

Đánh giá về giá trị công trình, ông Hà nói tháp có kiến trúc độc đáo, độ tinh xảo cao. Nổi bật là hoa văn về Phật giáo như phù điêu về tượng Phật, hình hoa sen, cúc, voi, ngựa... được làm tỉ mẩn dù vật liệu chỉ là vôi vữa. "Nhiều tháp thời xưa ít hoa văn, song Yên Hòa lại nhiều, rất khó lý giải", ông Hà nói.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng tháp chỉ 350-400 tuổi vì "màu sắc gạch, vết vôi trộn cát vẫn còn mới nên không thể nói công trình tồn tại tới nghìn năm". Những người xây tháp có thể là bộ phận cư dân sinh sống ở vùng đất này, có tay nghề cao. Ở Nghệ An không tháp nào có kiến trúc tương tự.

Ngọn tháp bí ẩn nơi biên giới

Một góc chân tháp bị sụt lở. Ảnh: Hải Bình

Lãnh đạo phòng Quản lý Di sản văn hóa lo ngại nếu không khẩn trương tu bổ, tháp có nguy cơ đổ sập. "Ba việc cần làm với tháp gồm: Tu bổ; xếp hạng di tích và đề án nghiên cứu sâu về công trình", ông Hà nói. Từ năm 2018, tháp Yên Hòa đã có trong danh mục kiểm kê của UBND tỉnh Nghệ An.

Ghi nhận công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, đại diện UBND huyện Kỳ Sơn giải thích việc chậm tu bổ do một số vướng mắc, trong đó có vấn đề kinh phí. "Thời gian tới, chính quyền sẽ lên kế hoạch tu bổ để giữ lại di tích độc đáo này, trở thành điểm du lịch của huyện", đại diện Ủy ban huyện nói.

Ngọn tháp bí ẩn nơi biên giới

Hiện trạng tháp cổ Yên Hòa. Video: Hải Bình

Tin cùng chuyên mục