Sau thương vụ SHBFinance, SHB như ‘hổ mọc thêm cánh’
Thương vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của SHBFinance cho đối tác là Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan được đánh giá là thương vụ đáng chú ý nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Chính Krungsri từng tiết lộ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn điều lệ của SHBFinance.
Ấm dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh của tín dụng tiêu dùng những năm qua. Theo đó, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường này cũng trở nên sôi nổi hơn.
Một số thương vụ mua bán công ty tài chính đình đám thời gian qua như: VPBank bán 49% cổ phần tại FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC thuộc SMFG; Techcombank bán 100% vốn Techcom Finance cho Tập đoàn Lotte; MB bán 49% vốn ở MCredit cho ngân hàng Shinsei Bank; và gần đây nhất SHB chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của SHBFinance cho đối tác Krungsri - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).
Nếu tính về tỷ lệ vốn điều lệ với giá chuyển nhượng, các thương vụ mua bán ngày càng được giá theo thời gian. Tại thời điểm năm 2021, khi Fe Credit bán cho nhà đầu tư Nhật Bản, vốn điều lệ của FE Credit đạt gần 11.000 tỷ đồng, dòng tiền thu về từ thương vụ đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, tức gấp 3 lần. Còn với SHBFinance, tại thời điểm chốt bán, dòng tiền thu về từ thương vụ tính ra hơn 3.500 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn điều lệ.
Dàn lãnh đạo mới của SHBFinance ra mắt nhà đầu tư ngày 2/6 vừa qua.
Những năm qua, SHBFinance được đánh giá là 1 trong 10 công ty tài chính lớn nhất với mạng lưới kinh doanh rộng khắp 51 tỉnh thành cùng hơn 7.000 cán bộ nhân viên phục vụ gần 2 triệu hồ sơ vay. Trong khi đó, Ngân hàng mẹ SHB là ngân hàng lớn nằm trong Top 10 ngân hàng lớn nhất hệ thống hay Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân.
Như vậy, thương vụ SHBFinance với đối tác Krungsri có thể nói đã tạo sóng lớn trên thị trườngM&A Việt Nam và làm ấm dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.
Thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam luôn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên trong bối cảnh quy định về việc mở mới ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang bị siết lại, thì việc muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, cách nhanh nhất chính là góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tài chính trong nước.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Các nhà đầu tư nước ngoài muốn “nhảy” vào thị trường tài chính nhưng việc nhảy vào được hay không lại rất khó. Việc mua cổ phần ngân hàng trải qua quá trình rất phức tạp từ đàm phán, đến được chấp thuận. “Cửa” nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài đặt chân ở thị trường tài chính Việt Nam là mua công ty tài chính của ngân hàng. Chưa kể điều quan trọng là các công ty nước ngoài nhìn thấy tiềm năng cho vay tiêu dùng Việt Nam là rất lớn.
SHB sẽ có bước nhảy vọt?
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam đang nổi lên thành một “điểm sáng” thu hút mọi ánh nhìn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới. Các thương vụ chuyển nhượng vốn công ty tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các năm qua dựa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Nhìn vào các thương vụ chuyển nhượng vốn thành công trước đó có thể thấy, nguồn tiền thu được từ việc chuyển nhượng vốn điều lệ các công ty tài chính đã giúp ngân hàng mẹ tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số... Còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, mua công ty tài chính là một bước đi nhanh để thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam – thị trường đầy tiềm năng, với dân số 100 triệu dân.
“Trong mỗi thương vụ cho cả bên bán và bên mua, trên tinh thần cần mang lại lợi ích cho nhau" PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ năm tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi và là thành viên của Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) Nhật Bản với tỷ lệ nắm giữ 76,88% vốn. MUFG hiện cũng là cổ đông chiến lược sở hữu gần 20% vốn của VietinBank. Tại thời điểm chuyển nhượng, SHB cho biết thỏa thuận sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng này.
SHB sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai.
Ông Đỗ Quang Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB chia sẻ, việc chuyển nhượng vốn cho Ngân hàng Krungsri sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để ngân hàng tiếp tục tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số… Nguồn thặng dư từ thương vụ cũng trở thành bàn đạp cho SHB vươn lên, cải thiện vượt bậc chỉ số tài chính và kỳ vọng sau thương vụ này, SHB sẽ được Moody’s nâng hạng tín nhiệm.
Trong thời gian tới, mặc dù không còn nắm giữ mảng tài chính tiêu dùng tại SHBFinance, nhưng theo nhìn nhận, SHB sẽ như “hổ mọc thêm cánh” nhờ nền tảng vốn lớn sẽ giúp ngân hàng nâng cao khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh và khả năng phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn.
Bình luận riêng về thương vụ SHB chuyển nhượng vốn SHBFinance cho Krungsri, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng: Trước khi thực hiện mua bán, Krungsri chắc chắn đã tìm hiểu và có những nguồn thẩm định riêng về SHBFinance. Khi Krungsri mua SHBFinance đã dự trù được tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, và họ tin với khả năng quản trị quốc tế của họ sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hiệu quả.
Giới tài chính nhận định, việc chuyển nhượng vốn SHBFinance là một dấu mốc trong sự phát triển của SHB. Cái bắt tay với Krungsri sẽ giúp SHBFinance nói riêng và SHB nói chung có bước đi xa hơn, không chỉ dừng ở việc tiếp nhận kinh nghiệm, nguồn lực quốc tế, mà nhà đầu tư ngoại đang bắt đầu mang đến cho SHB dòng vốn dồi dào hơn nữa.
Chủ đề: vốn đầu tư ngân hàng shb Hổ mọc thêm cánh Sau thương vụ SHBFinance
Tags:Sau thương vụ SHBFinance
ngân hàng SHB
hổ mọc thêm cánh
vốn đầu tư
Tin cùng chuyên mục