Trở về từ cửa tử, 'hiệp sĩ đường phố' xây cơ ngơi chục tỉ đồng
Gặp phải biến cố lớn, anh Cường không gục ngã mà bật dậy bằng ý chí, nghị lực hơn người. Vượt qua thương tật, anh xây dựng cơ ngơi tiền tỉ, trở thành chỗ dựa của nhiều người khó khăn.
Người đàn ông trở về từ cửa tử kể vụ bắt cướp tiệm vàng
Nỗ lực vượt bậc
Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh vươn lên, anh Trần Thanh Cường (SN 1978, TP.HCM) không cho phép mình bi lụy. Bất chấp những cơn đau thấu trời hành hạ, anh quyết tâm tập vật lý trị liệu để sớm bình phục.
Đó là một hành trình dài đầy rẫy khó khăn. Gần nửa đời người, anh Cường lại phải tập đứng, tập đi như một đứa trẻ. Đi đứng vững rồi, anh tập nói. Những buổi tập ấy anh thường xuyên phải chịu các cơn đau từ vết thương chưa lành hẳn. Dẫu vậy, anh không từ bỏ.
Anh chia sẻ: “Tôi phải tập nói lại từ đầu vì lúc đó, vùng miệng chưa được phẫu thuật, lưỡi chưa được tạo hình. Tôi chỉ có thể ú ớ mỗi khi cần sự giúp đỡ. Sau 4 năm điều trị, phẫu thuật, tôi mới trở lại nhân dạng và cuộc sống bình thường”.
Sau biến cố, anh Cường đã nỗ lực vượt bậc để thay đổi số phận.
Trở lại cuộc sống bình thường, anh Cường nghĩ ngay đến việc tìm việc làm để có thu nhập nuôi con. Anh mạnh dạn xin vào làm trong một công ty tổ chức sự kiện tại TP.HCM. Chưa có kinh nghiệm, anh chỉ được làm những công việc lặt vặt.
Cũng trong thời gian này, anh Cường gặp gỡ một người phụ nữ từ quê lên TP.HCM tìm việc làm. Tìm thấy sự đồng cảm, cả hai quyết định cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Có được hạnh phúc mới, tìm được việc làm yêu thích, anh lao vào công việc quên thời gian, mệt mỏi. Anh nói: “Khi đã phục hồi, nghị lực, ý chí vươn lên của tôi gấp đôi, gấp 3 người bình thường.
Bởi, khi mình tưởng đã chết mà sống lại, được đi làm, mình sung sướng, hạnh phúc lắm. Tôi thèm làm việc và làm như chưa từng được làm, làm như ngày mai là ngày cuối cùng của mình vậy”.
Sự khát khao ấy thúc đẩy anh làm việc hăng say. Tại công ty, anh xung phong đảm nhận những nhiệm vụ, công việc khó khăn, không ai dám làm, dám nhận.
Có lần, công ty chuẩn bị tổ chức sự kiện ở tỉnh xa. Nếu tham gia, nhân viên phải xa nhà suốt 95 ngày. Vì vậy, họ đều tìm cách thoái thác. Đúng lúc ấy, anh Cường tình nguyện nhận nhiệm vụ.
Lần ấy, anh nhận việc đúng lúc còn vài ngày nữa là vợ sinh nở. Được vợ đồng cảm, anh mang theo nỗi lo lắng, mong ngóng con đi làm. Sau chương trình này, anh tiếp tục nhận thêm nhiệm vụ kéo dài 65 ngày mới được về nhà.
Cơ ngơi tiền tỉ
Sự tận tâm của anh được công ty ghi nhận, đánh giá cao. Hơn thế, thông qua những chương trình này, anh tích lũy, học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm.
Sau đó ít năm, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, vốn liếng cùng với sự giúp đỡ của gia đình, anh thành lập công ty chuyên cung cấp âm thanh, ánh sáng cho các sự kiện, lễ hội.
Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng công ty của anh nhanh chóng phát triển, tạo được uy tín lớn. Đến nay, anh đã thành lập thêm công ty thứ 2 và trở thành đơn vị tổ chức sự kiện, âm thanh ánh sáng uy tín ở TP.HCM. Từ một người tưởng như không còn gì, hiện tại anh nắm trong tay cơ ngơi trị giá trên 40 tỉ đồng.
Thành công sau những nỗ lực không ngừng, anh Cường không thể nào quên khoảng thời gian gặp biến cố lớn nhất đời mình. Thời điểm ấy, ngoài tình thương yêu của người thân, gia đình, anh còn nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ của xã hội.
Anh quyết định đền đáp những gì mình đã được nhận. Ngoài việc hỗ trợ các thành viên gia đình, anh cố gắng giúp đỡ, tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân anh cũng trở thành tấm gương vượt nghịch cảnh cho những người đang gặp phải biến cố trong đời.
“Sau khi trải qua biến cố, tôi thấu hiểu giá trị của tình yêu thương. Tôi cố gắng giúp đỡ, chia sẻ với người khó khăn hơn trong khả năng của mình. Ngoài việc đào tạo miễn phí, tạo việc làm cho người khó khăn, sinh viên… tôi cố gắng lan tỏa nghị lực sống, ý chí vươn lên đến mọi người”, anh chia sẻ.
Tags:cơ ngơi
cửa tử
hiệp sĩ
biến cố
nghị lực
Trần Thanh Cường
bật dậy
bạc tỉ
ý chí
thương tật
gặp phải
tổ chức sự kiện
gục ngã
chỗ dựa
bi lụy
nhân dạng
đường phố
ú ớ
trở về
cơn đau
Tin cùng chuyên mục