Viêm tuỵ cấp do thói quen đàn ông hay mắc khi vào hè
Trước đó ở nhà 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng liên tục vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, có tiền sử lạm dụng rượu. Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám, chỉ định cận lâm sàng.
Kết quả xét nghiệm công thức máu cho thấy, chỉ số mỡ máu Triglycerid tăng cao 80mmol/L (giới hạn bình thường < 1,7mmol/L); hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng viêm tụy cấp. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp và chỉ định điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế: truyền dịch, kháng sinh, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, kiểm soát đường máu, nhịn ăn.
Bác sĩ thăm khám, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân viêm tuỵ cấp.
Sau 72 giờ điều trị tích cực, người bệnh hết đau, hết chướng bụng; kết quả xét nghiệm chỉ số mỡ máu Triglycerid giảm xuống 2,7mmol/L, các chất chỉ định viêm trong máu giảm, được tập ăn trở lại, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BSCKI. Hà Đức Giang - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực chống độc (Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), viêm tụy cấp là tình trạng tổ chức viêm đột ngột, có những trường hợp diễn biến nhanh, nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng như: trụy mạch, tổn thương thận, gan, phổi nặng, rối loạn đông máu, ... rất nguy hiểm tới tính mạng.
Các nguyên nhân dẫn tới viêm tụy cấp bao gồm: uống nhiều rượu bia, sỏi mật, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, chấn thương... Đặc biệt, một người nếu uống nhiều bia rượu sẽ khiến cho các ống nhỏ có nhiệm vụ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy bị hẹp, dần dần gây tắc nghẽn và hệ quả là bị viêm tụy cấp.
Nếu thói quen uống rượu bia diễn ra liên tục trong thời gian dài sẽ dẫn tới viêm tụy mạn tính. Người bệnh có thể gặp hiện tượng viêm tụy cấp sau 1 bữa ăn nhiều chất hoặc một lần uống nhiều bia rượu, điều này khiến không ít người lầm tưởng rằng các triệu chứng của viêm tụy cấp là biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa hay ngộ độc thực phẩm.
Khi có các triệu chứng điển hình cảnh báo như: đau bụng đột ngột, mức độ từ nhẹ đến nặng, cơn đau bụng cấp vùng thượng vị, hạ sườn trái hoặc phải, đau lan ra sau lưng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc bí trung đại tiện cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện, điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Rượu, bia gây viêm tụy cấp là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau sỏi mật. Để phòng, tránh viêm tụy cấp do rượu, bia gây ra, chúng ta cần hạn chế tối đa rượu, bia, thuốc lá… nạp vào cơ thể mỗi ngày, cần hạn chế ăn mặn, có chế độ ăn uống khoa học.
Cần tăng cường chất xơ có trong các loại rau củ quả và ăn ít chất béo; không ăn đồ tái, sống, uống nhiều nước mỗi ngày; nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để được phát hiện những chỉ số bất thường và điều trị bệnh kịp thời.
Nam Anh
Tags:Viêm tuỵ cấp do rượu bia
cấp cứu viêm tuỵ cấp
viêm tuỵ sau khi uống rượu
Tin cùng chuyên mục