Hết thời sốt đất 'điên đảo', Quảng Trị lên phương án chia nhỏ lô, hạ giá bán
Sau cơn sốt đất, nhiều phiên đấu giá không có người mua vì giá sàn cao, diện tích lô đất rộng. Tỉnh Quảng Trị đang lên phương án chia nhỏ lô, hạ giá bán để "tăng nhiệt" thị trường bất động sản.
Đầu năm 2022, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như huyện Cam Lộ, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hoá), huyện Triệu Phong và TP Đông Hà xảy ra tình trạng sốt đất “điên đảo”.
Ghi nhận của VietNamNet thời điểm đó cho thấy, tại những khu vực trên, xuất hiện nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường. Việc tìm hiểu và mua bán các lô đất diễn ra chớp nhoáng, nhanh gọn và tạo nên nhiều cơn sốt.
UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm ngăn chặn hiện tượng "thổi giá" đất. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các dự án, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Thực hiện và hướng dẫn các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật...
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt đối với trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.
Cơn sốt đất đi qua, khoảng từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản ở Quảng Trị bắt đầu rơi vào trầm lắng. Theo quan sát, không chỉ việc mua bán đất giữa người dân bị gián đoạn mà các phiên đấu giá do chính quyền tổ chức cũng bị rơi vào đình trệ do vắng người tham gia.
Tình trạng này khiến 9 tháng đầu năm 2023, Quảng Trị mới thu được 194 tỷ đồng từ đấu giá đất, chỉ đạt 24% mục tiêu.
Sốt đất đi qua, bất động sản ở Quảng Trị lại rơi vào cảnh u ám, bán không có người mua. Ảnh: Quang Thành
Chia sẻ với VietNamNet, một lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ cho hay, một trong những nguyên nhân khiến việc đấu giá đất ở địa phương hiện nay gặp khó khăn, không có người mua là do giá sàn cao, diện tích lô đất đưa ra đấu giá rộng.
“Đơn giá đất đưa ra đấu căn cứ vào khung giá đất đã được phê duyệt của Hội đồng nhân dân tỉnh nên mặc dù biết cao, nhưng địa phương không thể thay đổi được. Với tình trạng như hiện nay, UBND tỉnh cần căn cứ vào nhu cầu thị trường thực tế, chỉ đạo các sở ban ngành liên quan rà soát, điều chỉnh lại giá đất phù hợp để tăng sự tham gia của khách hàng”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đang lên kế hoạch, thay đổi phương án để tăng nguồn thu từ đấu giá đất.
Theo ông Đồng, tác động của các yếu tố địa chính trị trên thế giới, hậu đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, điều đó kéo theo sự ế ẩm của thị trường bất động sản.
“Trước việc các lô đất có diện tích lớn, giá sàn cao không hấp dẫn nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, cùng các ngành chức năng nghiên cứu phương án giảm diện tích lô đất, hạ giá sàn để tăng sức mua.
Căn cứ vào các qui định pháp luật và tham mưu của các sở ngành, UBND tỉnh sẽ xây dựng các phương án mới nhằm thu hút chủ đầu tư tham gia đấu giá, tăng nguồn thu cho địa phương”, ông Đồng chia sẻ.
Khách hàng dễ sập bẫy 'bán cắt lỗ' giăng khắp nơi hậu sốt đấtThị trường bất động sản chững lại khiến nhiều người đang “ôm bom” phải tìm cách để thoát hàng sớm, tuy vậy chiêu "bán cắt lỗ" liệu có thực sự đáng tin?
Bình luận
Tags:sốt đất
Quảng Trị
Tin cùng chuyên mục