Nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu”: Cầu nối để gần dân hơn
“Lắng nghe và thấu hiểu” là phương châm hành động, đã và đang trở thành chiếc “chìa khóa” dẫn cán bộ đến gần hơn với người dân, trở thành địa chỉ tin cậy để nhân dân gửi gắm.
Cuốn Nhật ký “Lắng nghe và Thấu hiểu” là mô hình mới do Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phát động triển khai từ năm 2020 gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo đó, hàng tuần cán bộ Mặt trận cơ sở phải về với dân, lắng nghe dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị, phản ánh của dân, làm cầu nối đến cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp theo phương châm “Mặt trận hành động, hướng về cơ sở, lắng nghe tiếng dân, hành động vì dân”.
Tính đến nay, MTTQ cơ sở đã trực tiếp xuống với người dân được 3.682 lượt, lắng nghe, tập hợp 5.368 ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Nhân dân; đã phản ánh đến các cấp ủy đảng, chính quyền 5.012 ý kiến, kiến nghị, hầu hết các ý kiến, kiến nghị được chính quyền xem xét trả lời và giải quyết kịp thời.
Cầu nối người dân với Đảng, chính quyền
Tuyến đường kiểu mẫu xóm 6 xã Quỳnh Lương
Nhiều năm nay, người dân ở xã An Hòa – địa phương có dân số đông (trên 11,7 ngàn nhân khẩu với trên 14% đồng bào Công giáo, là xã đặc thù về sản xuất với 3 lĩnh vực là sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối, khai thác, đánh bắt và chế biến hải sản) đã quen với hình ảnh cán bộ Mặt trận mặc áo vàng với cuốn nhật ký trong tay vào từng Tổ liên gia, thăm từng hộ gia đình để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề xuất của người dân, từ đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vấn đề người dân kiến nghị, bức xúc.
Cán bộ mặt trận xã An Hoà lắng nghe ý kiến tại hộ gia đình các hộ dân
Đầu năm 2020, sau khi tiếp nhận chủ trương, kế hoạch của Ủy ban MTTQ huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã An Hòa tổ chức hội nghị triển khai cho 14 Ban công tác Mặt trận thôn. Riêng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã, ngoài việc tiếp nhận phản ánh của người dân do Ban công tác Mặt trận thôn chuyển lên thì cứ vào thứ 6 hàng tuần, cán bộ MTTQ xã lại về các khu dân cư, Tổ liên gia, xuống tận từng hộ gia đình để lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đề xuất của dân liên quan đến sản xuất, sinh hoạt và các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và quy định địa phương, nhất là những hộ dân chưa thống nhất hoặc còn băn khoăn với các chủ trương giải phòng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, đóng góp các khoản thuế, phí…
Ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Hòa nói: “Cuốn này do MTTQ huyện phát đến 338 Ban công tác Mặt trận trên toàn huyện. Có lúc đi một mình, có khi đi cả 3 người trong Ban Thường trực Mặt trận xã, có khi phối hợp với Đảng ủy, HĐND, UBND và Công an xã xuống với bà con để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của họ. Những nội dung nào mình nắm được thì giải thích tại chỗ, không thì ghi chép lại sau đó tổng hợp chuyển các ý kiến đề nghị cấp ủy, chính quyền xã và các bộ phận liên quan xem xét giải quyết”.
Theo ông Quyết, qua kênh Nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu”, Mặt trận xã đã tổng hợp các ý kiến, tâm tư băn khoăn bà con về việc thiếu nguồn nước sạch, về mùa nắng người dân phải mua cả chục xe nước để dùng, nhất là Làng nghề chế biến nước mắm Tân An thì nhu cầu về nước sạch càng bức xúc hơn. Sau nhiều lần Mặt trận phản ánh, kiến nghị với chính quyền xã và huyện thì đầu năm 2023 huyện đã triển khai khởi công lắp đặt hệ thống nước sạch về xã, đến nay đã hoàn thành xong.
Ông Trần Văn Tịnh, một người giáo dân ở Thôn Tân Thịnh cho biết: “Bây giờ không phải đợi đến kỳ tiếp xúc cử tri nữa, mà hàng tuần đã có cán bộ Mặt trận xuống với dân, những kiến nghị, phản ánh của người dân chúng tôi được chuyển tới các cấp chính quyền giải quyết rất kịp thời. Như vừa rồi người dân phản ánh với cán bộ Mặt trận về việc một số hộ nuôi tôm trên địa bàn thôn Tân Thịnh sau khi thu hoạch tôm đã bơm nước thải, tạp phẩm gây ô nhiễm khu vực sản xuất muối của bà con. Sau khi bà con phản ánh, UBND xã đã khảo sát và xây mương thoát nước cho đầm tôm để tránh nước bẩn thẩm lậu chảy ra cánh đồng muối, đồng thời yêu cầu các hộ nuôi tôm phải xây hồ chứa lắng, xử lý xong mới cho nước ra sông, tránh gây ô nhiễm môi trường…”
Ông Hồ Văn Lý, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tân Thịnh cho rằng, cán bộ Mặt trận không chỉ là “trận mô cũng có mặt” mà còn phải gương mẫu, tâm huyết với công việc, đến với dân, tận tụy với nhân dân, “nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm dân tin”.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở cơ sở, Ông Nguyễn Ngọc Kháng, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bút Ngọc, xã An Hòa cho rằng, người cán bộ Mặt trận không chỉ phải sâu sát đến từng thôn, xóm, nắm bắt tốt tình hình nhân dân và dư luận xã hội để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền xử lý các tình huống ở cơ sở mà còn phải thực hiện tốt phương châm hành động của MTTQ huyện là “lắng nghe tiếng dân, hành động vì dân”, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo chất lượng hoạt động của Mặt trận.
“Từ khi triển khai Cuốn Nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu”, tôi thường giành thời gian ghé thăm các hộ gia đình trong thôn, nhất là những hộ thuộc diện khó khăn, ngồi uống nước chè trò chuyện thân tình với họ để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Đối với những vấn đề người dân phản ánh, những gì giải thích được thì giải thích luôn, cái gì không thuộc thẩm quyền thì báo cáo với chi ủy, ban cán sự thôn và ghi chép vào Nhật ký để phản ánh lên chính quyền và Mặt trận xã”, ông Kháng cho hay.
Nói về vai trò “cầu nối” của Mặt trận với cấp ủy, chính quyền, ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã An Hòa đánh giá: “Mô hình cuốn nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu” của MTTQ huyện Quỳnh Lưu triển khai không chỉ khiến hệ thống Mặt trận hoạt động sôi nổi hơn mà còn phát huy chức năng giám sát và phản biện xã hội rõ nét, hiệu quả hơn. Những thông tin của dân phản ánh với Mặt trận đều được tiếp thu và đề xuất xử lý một cách nghiêm túc. Qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những kiến nghị của dân, hạn chế đơn thư và phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng ngay từ Tổ liên gia, từ các thôn, giữ yên cơ sở.
Tương tự tại xã Quỳnh Lương, nhiều phong trào thi đua và cuộc vận động do Ủy ban MTTQ xã phát động đã được người dân hưởng ứng, nhiệt tình tham gia thực hiện, tiêu biểu như phong trào xây dựng mô hình “Khu dân cư văn minh và phát triển” do Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu phát động với bộ 12 tiêu chí dựa trên các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuyến đường kiểu mẫu xóm 1 Quỳnh Lương
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, năm 2014, xã Quỳnh Lương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, mặc dù được công nhận khá sớm so với toàn huyện, tuy nhiên, nhiều tiêu chí chưa bền vững, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhân dân… việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM có phần chậm lại. Để khắc phục những tồn tại, khó khăn đó, Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới mang tính bền vững, tạo tiền đề xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó giao cho Mặt trận xã làm vai trò nòng cốt để tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Lương xác định rõ và quyết tâm xây dựng thành công mô hình “Khu dân cư văn minh và phát triển”, vì chỉ có xây dựng thành công mô hình này ở các khu dân cư thì mới có thể nâng cao các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới để về đích nông thôn mới nâng cao; tuy nhiên, khi mới đầu triển khai bộ 12 tiêu chí của mô hình đã gặp phải một số khó khăn như nhận thức của người dân có nơi còn chưa cao, vẫn còn tình trạng một bộ phận dân cư có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, có thì hưởng không có thì thôi nên việc huy động người dân tham gia chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc hiến đất giải phóng mặt bằng, tham gia ngày công lao động...
Ông Lương Văn Đợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Lương tâm sự: “Hiểu được những khó khăn đó, chúng tôi luôn băn khoăn, trăn trở, làm sao để người dân hiểu, người dân tin và từ đó kéo họ vào cuộc, để họ tự nguyện tham gia thực hiện. Muốn dân hiểu, dân tin thì phải đến với dân, lắng nghe dân, cùng đồng hành với dân.... Từ đó, hàng tuần cán bộ Mặt trận xã chúng tôi dành ít nhất 2 ngày để trực tiếp xuống với các khu dân cư, cùng với các Trưởng ban công tác Mặt trận xóm đến tận từng Tổ liên gia tự quản, từng hộ gia đình, gặp gỡ Hội đồng gia tộc các dòng họ để tuyên truyền về chủ trưởng, kế hoạch, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình, đồng thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến phản hồi của người dân để giải thích, vận động người dân đồng thuận, những ý kiến kiến nghị của người dân đều được ghi chép vào cuốn Nhật ký để chuyển tải tới cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết”.
Từ năm 2020 đến nay, nhân dân xã Quỳnh Lương đã tự nguyện hiến trên 1.600 m2 đất, hiến cây cối, tường bao, ủng hộ hàng ngàn ngày công, đóng góp hơn 3 tỷ đồng xây dựng được trên 10 km đường giao thông, xây dựng và tu sửa 8 nhà văn hóa thôn, xây dựng 5 sân thể thao của thôn, xây dựng 8 cổng làng, xây dựng 8km đường đèn điện cao áp, xây dựng 45 tuyến đường cờ “Đại đoàn kết” dài 12km, xây dựng 18 tuyến đường kiểu mẫu dài trên 3km, ngoài ra còn xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh.
Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm của các khu dân cư đã được bê tông, nhựa hóa, hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân... có 8/8 khu dân cư đạt 12/12 tiêu chí của mô hình “Khu dân cư văn minh và phát triển” và 8/8 khu dân cư được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần quan trọng để xã Quỳnh Lương được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021 và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.
Lắng nghe để thấu hiểu
Nói về mục đích triển khai mô hình Cuốn Nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu”, ông Trần Minh Chính – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Cán bộ Mặt trận làm theo lời Bác dặn” gắn với thực hiện Chị thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề “Cán bộ Mặt trận – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, trong đó đã phát động mô hình Cuốn Nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu” và tổ chức Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Trưởng ban công tác Mặt trận”... Đây là giải pháp nhằm thay đổi tư duy, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ Mặt trận, khắc phục tình trạng “hành chính hóa” công tác Mặt trận. Theo đó, cán bộ Mặt trận phải sâu sát từng thôn, xóm, từng Tổ liên gia tự quản, từng hộ gia đình để nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội để kịp thời tham mưu xử lý các tình huống phát sinh ở cơ sở.
Hàng tuần, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện tổng hợp các vấn đề người dân quan tâm, phản ánh từ kênh Mặt trận cơ sở chuyển lên và hàng tháng có báo cáo dư luận xã hội gửi các cấp có thẩm quyền. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện thì kiến nghị với cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền thì chuyển lên MTTQ tỉnh đề xuất lên cấp trên có giải pháp giải quyết dứt điểm.
Nhờ vậy, hoạt động của MTTQ huyện, cơ sở và các Ban công tác Mặt trận ngày càng chuyển biến rõ nét, hiệu quả và thiết thực hơn và có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo, hướng công tác Mặt trận về địa bàn khu dân cư; lấy các khu dân cư, dòng họ, Tổ liên gia tự quản làm địa bàn triển khai, lấy hộ gia đình làm chủ thể để xây dựng xã hội đồng thuận, góp phần xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ Mặt trận trong lòng dân.
Nội dung, phương thức phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền và các tổ chức thành viên được đổi mới theo hướng thiết thực, sát với tình hình thực tế. Quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia các vấn đề ở địa phương được phát huy theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, nhất là trong các lĩnh vực như công khai các thông tin quy hoạch các dự án, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các chủ trương vay vốn, bình xét ở khu dân cư; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và các quỹ đóng góp của cộng đồng dân cư…”.
Từ thực tiễn ở địa phương, đồng chí Hồ Anh Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lương ghi nhận rằng mô hình Cuốn Nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu” là hình thức công khai để nhân dân trực tiếp bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua kênh Mặt trận. Qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền có thêm thông tin, cơ sở để xem xét, điều chỉnh công tác điều hành, quản lý ngày càng sát với tình hình thực tiễn. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, giảm tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp và giúp các xã, thị trấn thực hiện sát và tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương”.
Về phía hệ thống Mặt trận, thông qua mô hình Cuốn Nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu” cũng thể hiện rõ vai trò “cầu nối, mái nhà chung gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc; nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua đó, xây dựng đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Với người cán bộ Mặt trận trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu sự “lắng nghe và thấu hiểu” là phương châm hành động, đã và đang trở thành chiếc “chìa khóa” dẫn họ đến gần hơn với người dân, trở thành địa chỉ tin cậy để nhân dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình, qua đó xây dựng nên hình ảnh “Người cán bộ Mặt trận trong lòng dân”.
PV
Tags:nhật ký lắng nghe và thấu hiểu
cán bộ mặt trận
cầu nối gần dân
mô hình Cuốn Nhật ký “Lắng nghe và thấu hiểu”
Tin cùng chuyên mục